Nhà máy chocolate của người khuyết tật

Với hy vọng góp phần tạo nên một xã hội bình đẳng hơn, một nhà máy sản xuất chocolate ở Nhật Bản đã tuyển dụng phần lớn nhân viên là người khuyết tật hoặc thiểu năng trí tuệ. Thành công của nhà máy những năm gần đây đang giúp thay đổi định kiến của xã hội về cộng đồng người được coi là yếu thế tại “xứ sở mặt trời mọc”.

Nhà sáng lập Quon, ông Hirotugu Natsume. Ảnh: KYODO NEWS
Nhà sáng lập Quon, ông Hirotugu Natsume. Ảnh: KYODO NEWS

Mái ấm của lòng nhân ái

Theo Japan Times, nhà máy Quon nổi tiếng với thương hiệu chocolate độc quyền “Terrine” hình chữ nhật, với khoảng 150 hương vị và thành phần đi kèm như hoa quả sấy và các loại hạt. Nhà máy này do ông Hirotugu Natsume, 44 tuổi, sáng lập vào năm 2014, có trụ sở tại thành phố Toyohashi, tỉnh Aichi, miền trung Nhật Bản. Nhà máy được ra đời với mục đích xóa bỏ bất bình đẳng xã hội khi thuê hơn một nửa nhân viên là những người khuyết tật và có các vấn đề về trí tuệ. 

Ông Natsume cho biết, không đòi hỏi các nhân viên đặc biệt của mình phải thay đổi hay điều chỉnh bản thân mà sẽ chủ động lựa chọn, cân nhắc những phần việc phù hợp năng lực của mỗi người. “Điều quan trọng nhất là họ luôn duy trì tinh thần làm việc nhóm, quan tâm lẫn nhau. Những người có khả năng khác nhau, tôi sẽ bố trí họ vào những công việc phù hợp để chúng tôi có thể làm việc như một nhóm, giống như ghép các mảnh ghép lại với nhau”, ông Natsume chia sẻ.

Mỗi nhân viên “đặc biệt” tại Quon sẽ làm việc năm giờ một ngày, năm ngày một tuần. Mức lương họ nhận được nếu đi làm đầy đủ sẽ là 50.000 yên (khoảng 435 USD) một tháng. Theo Bộ Phúc lợi Nhật Bản, con số này cao gấp hai lần mức lương mà họ sẽ được trả tại các cơ sở phúc lợi địa phương.

Yoshihiro Kawano, 22 tuổi, mắc chứng rối loạn phát triển, bắt đầu làm việc bán thời gian tại cơ sở sản xuất của Quon từ khi còn là học sinh trung học. Trở thành nhân viên chính thức, Yoshihiro tham gia các công việc như ủ bột cacao, một quá trình quan trọng khi phải làm nóng và làm lạnh chocolate để hỗn hợp mịn hơn; sau đó cắt thành phẩm. Công việc này đã giúp Kawano có mức lương ngoài mong đợi. Kawano cho biết: “Công việc ở đây khiến tôi cảm thấy vui vẻ. Tôi thích việc trộn nguyên liệu và cắt chocolate. Tôi muốn tiếp tục làm việc ở đây”.

Đồng quan điểm với Kawano, một nữ nhân viên giấu tên 28 tuổi của Quon chia sẻ, cô bắt đầu làm việc tại Quon vào tháng 10/2020 vì cô thích làm đồ ngọt. Hiện, cô đảm nhiệm việc bán chocolate tại trụ sở chính của cửa hàng ở Toyohashi, đồng thời dạy các nhân viên khác cách làm sản phẩm của nhà máy. “Tôi cảm thấy rất thoải mái khi làm việc ở đây, vì tôi được là chính mình. Tôi có thể dễ dàng bày tỏ ý kiến của mình vì không ai phủ nhận tôi”, cô nói.

Nhà máy chocolate của người khuyết tật -0
Những nhân viên đặc biệt của Quon. Ảnh: KYODO NEWS 

Không ngại thất bại

Theo Kyodo News, ý tưởng giúp đỡ người khuyết tật và thiểu năng trí tuệ của Hirotugu Natsume xuất phát sau khi ông phát hiện những người này được trả công không tương xứng với những giá trị họ tạo ra. Theo đó, họ chỉ kiếm được từ 3.000 đến 4.000 yên (tương đương 25,93 đến 34,60 USD) một tháng tại các cơ sở phúc lợi địa phương. “Tôi muốn tạo ra một nơi mà ngay cả những người khuyết tật cũng có thể có thu nhập tốt”, ông Natsume cho biết.

Trước khi cho ra đời nhà máy Quon, ông từng thất bại với nhiều dự án khác. Năm 2003, ông mở một tiệm bánh với ba người bị thiểu năng trí tuệ, sau đó là một tiệm cà-phê, dù vậy hai cửa hàng này đều phải đóng cửa vì các công việc tại đây đều quá sức với những người khuyết tật. Ông Natsume chia sẻ: “Làm bánh và phục vụ đồ uống rất khó với người khuyết tật, vì đòi hỏi tốc độ cao. Thật buồn khi nhìn thấy những người không thể theo kịp công việc”.

Sau những thất bại, ông vẫn quyết không bỏ cuộc. Và bất ngờ đã đến khi ông gặp một thợ làm chocolate chuyên phục vụ các khách sạn hạng sang và nhà hàng nổi tiếng. Người này tiết lộ rằng bất kỳ ai cũng có thể làm được chocolate ngon chỉ cần sử dụng nguyên liệu chất lượng và đúng quy trình. “Tôi phát hiện ra chế biến chocolate là công việc phù hợp nhất với người khuyết tật và có vấn đề về trí tuệ. Ngay cả khi họ thất bại, chocolate vẫn có thể được nấu chảy thêm một lần nữa. Không giống như bánh mì hay các loại đồ ngọt khác, chocolate có thể được điều chỉnh theo những người làm ra chúng”, doanh nhân 44 tuổi nhấn mạnh.

Sự kiên trì của ông Natsume đã khiến trong vòng bảy năm, từ một cửa hàng chính ở Toyohashi được mở vào năm 2014, đến nay Quon đã có 52 chi nhánh trên cả nước, trong đó có 18 nhà máy sản xuất từ ​​Hokkaido ở phía bắc Nhật Bản đến Kagoshima ở Kyushu, hòn đảo chính phía nam của đất nước. Hiện, Quon sở hữu 550 nhân viên, tính cả những người làm việc ở các cửa hàng giới thiệu sản phẩm, trong đó tới 350 nhân viên là những người có khiếm khuyết về thể chất, trí tuệ, rối loạn phát triển hoặc các vấn đề về tâm lý khác.

Trong những năm qua, nhà máy này liên tục triển khai các kế hoạch mới giúp đỡ nhiều người yếu thế trong xã hội hơn. Tháng 6/2021, Quon đã khởi động một dự án có tên là “powder lab” (tạm dịch là “phòng thí nghiệm bột”), theo đó bố trí khoảng 10 nhân viên đều là những người khiếm khuyết trí tuệ thể nặng đảm nhiệm các phần việc nhẹ nhàng trong toàn bộ quy trình làm chocolate, thí dụ như làm bột trà xanh từ lá và cuống trà. Công việc này yêu cầu phải bảo đảm đủ liều lượng cần thiết để phù hợp công thức làm chocolate trà xanh của nhà máy. Thông thường, những công việc này do các loại máy móc thực hiện với những tiêu chuẩn được cài đặt sẵn. 

Quon dự báo đạt doanh thu ròng 1,5 tỷ yên (khoảng hơn 12 triệu USD) trong tài khóa 2021 (tính đến hết tháng 3/2022), tăng 25% so năm ngoái. Nhà máy này cũng đặt mục tiêu tạo nên những thương hiệu chocolate đứng đầu Nhật Bản, để khách hàng không chỉ nhớ về sản phẩm vì những người làm ra chúng là người đặc biệt mà còn là nhờ chất lượng hảo hạng. “Tôi muốn mọi người mua chocolate của chúng tôi, không phải vì những người khuyết tật đang làm ra chúng, mà vì chúng có chất lượng hàng đầu,” ông Natsume tuyên bố.

Sáng kiến của ông Natsume và thành công của Quon đã chứng minh năng lực thật sự của những người khuyết tật và thiểu năng trí tuệ. Trong thời gian qua, nhiều công ty tại Nhật Bản đã có những dự án thuê nhân viên là những đối tượng này. Những hành động nói trên đang được kỳ vọng sẽ dần dần làm thay đổi định kiến của xã hội về những người khuyết tật tại “xứ sở hoa anh đào”.