Nhà in 3D cho người nghèo

Một doanh nghiệp Ấn Độ mới đây cho ra mắt ngôi nhà đầu tiên xây dựng nhờ công nghệ in 3D. Với giá thành rẻ và thời gian thi công được rút ngắn, đây được coi là giải pháp cho cuộc khủng hoảng thiếu nhà trầm trọng tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

Nhà in giá rẻ bằng công nghệ 3D tại Ấn Độ. Ảnh: TVASTA
Nhà in giá rẻ bằng công nghệ 3D tại Ấn Độ. Ảnh: TVASTA

Theo các số liệu thống kê chính thức từ Bộ Nhà ở và Các vấn đề đô thị Ấn Độ, nước này có khoảng một triệu người vô gia cư phải sống trên đường phố. Tuy nhiên, các tổ chức từ thiện ước tính con số thực tế có thể cao hơn gấp ba lần. Không chỉ vậy, khoảng 65 triệu người dân Ấn Độ sống trong các khu ổ chuột, vốn đang trở thành những điểm nóng của đại dịch Covid-19. Trước tình hình đó, Tvasta - một công ty khởi nghiệp Ấn Độ đã đề xuất phương án xây nhà bằng công nghệ in 3D.

Ngôi nhà đầu tiên được “in” bằng công nghệ 3D của Tvasta được xây dựng tại thành phố Chennai, miền nam Ấn Độ. Ngôi nhà có diện tích 56 m2, được thiết kế một tầng bao gồm đầy đủ các phòng chức năng phục vụ cho những nhu cầu ở cơ bản. Adithya Jain, nhà đồng sáng lập Tvasta cho biết, với sự hỗ trợ tính toán chính xác từ máy tính, ngôi nhà xây bằng công nghệ in 3D giúp giảm lãng phí nguyên vật liệu, giảm khí thải carbon trong quá trình xây dựng và sử dụng. Ông Jain cũng nhấn mạnh, chi phí xây dựng nhà kiểu này cũng rẻ hơn 30% so kiểu xây nhà truyền thống; thời gian làm nhà cũng chỉ mất khoảng năm ngày trong khi “tuổi thọ” của nhà 3D có thể lên tới 50 năm. 

Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman vừa qua cũng đánh giá cao giải pháp xây dựng của Tvasta. Chia sẻ với Times of India, ông Sitharaman cho biết: “Ấn Độ chắc chắn cần những ý tưởng như vậy. Với cách xây dựng thông thường, mỗi ngôi nhà đòi hỏi nhiều thời gian xây dựng cũng như nguyên vật liệu, vận chuyển vật liệu cũng như các công tác hậu cần khác. Nhưng giờ đây, công nghệ đã giúp chúng ta chỉ mất năm ngày để xây dựng một ngôi nhà. Với phương pháp này, việc Ấn Độ có thể xây dựng 100 triệu ngôi nhà in 3D vào năm 2022 không còn là thách thức lớn”.