Người lưu giữ tinh hoa nghề rèn katana

Thanh kiếm Nhật (còn gọi là katana) được coi là một trong những loại vũ khí huyền thoại trên chiến trường. Nhưng hiện nay, nó đã thay đổi thành những tác phẩm nghệ thuật mang tính thẩm mỹ và giá trị cao. Những phương pháp rèn truyền thống đã được nhiều gia đình nghệ nhân Nhật Bản lưu giữ, truyền lại cho các thế hệ sau qua nhiều thế kỷ. Trong số đó, phải kể tới gia đình Yoshihara và đặc biệt là nghệ nhân nổi tiếng thế giới Yoshihara Yoshindo (78 tuổi), người được coi là thợ rèn kiếm katana tài năng nhất còn sống hiện nay.

Nghệ nhân Yoshihara Yoshindo đang rèn kiếm katana. Ảnh: COOLJAPAN
Nghệ nhân Yoshihara Yoshindo đang rèn kiếm katana. Ảnh: COOLJAPAN

Thanh kiếm katana chiếm vị thế quan trọng trong văn hóa và xã hội Nhật Bản. Theo thần thoại nước này, thanh katana đầu tiên được tìm thấy dưới đuôi của một con rồng và được các vị thần cổ đại mang theo mình khi tạo nên xứ Phù Tang. Bởi vậy, thanh kiếm thường được đặt trang trọng tại các đền thờ. Sau đó, trong thời kỳ Edo (1603 - 1868), katana được coi là công cụ hướng dẫn cho các chiến binh samurai tìm kiếm sự giác ngộ, nhắc nhở họ về đạo đức ứng xử và hoàn thiện bản thân. Tuy nhiên, tới thời Thiên hoàng Minh Trị vào cuối thế kỷ 19, tầng lớp samurai đã trở thành một “di tích” của quá khứ. Khi Nhật Bản bước vào thời kỳ hiện đại hóa, nhu cầu sử dụng katana giảm dần khiến cho nghệ thuật rèn kiếm mai một rất nhiều. 

Năm 1933, trong một nỗ lực để cứu nghề rèn kiếm, ông Kurihara Hikosaburo - một thành viên của Quốc hội Nhật Bản và đặc biệt yêu thích đối với katana từ thời thơ ấu, đã mở cơ sở đào tạo kiếm Nihonto Denshujo ở Thủ đô Tokyo và sau đó là Học viện đào tạo thợ rèn Nihonto Gakuin. Ông Kurihara làm việc không mệt mỏi để quảng bá, giáo dục và bảo tồn nghệ thuật rèn kiếm Nhật Bản. Hầu hết các thợ rèn hàng đầu hiện nay đều thuộc các gia đình có người học trong các trường do ông lập ra. Ngoài ra, ông Kurihara còn tự rèn kiếm với nghệ danh Akihide. Một trong những thành viên đầu tiên đăng ký học rèn kiếm là ông Yoshihara Katsukichi. Sau này, ông Katsukichi sử dụng nghệ danh Kuniie và trở thành một trong những thợ rèn kiếm nổi tiếng nhất thời Chiêu Hòa (1926 - 1989).

Cho đến nay, hậu duệ của nghệ nhân Kuniie vẫn tiếp tục rèn kiếm katana theo cách truyền thống. Trong đó, người nổi bật nhất chính là nghệ nhân Yoshihara Yoshindo, người nằm trong danh sách Tài sản văn hóa phi vật thể quan trọng của Thủ đô Tokyo. Ông Yoshindo bắt đầu nghiên cứu quá trình rèn kiếm từ năm 12 tuổi. Tới năm 22 tuổi, ông đã là một thợ rèn được cấp phép. Năm 1973, Yoshindo là người đầu tiên đoạt giải thưởng Hoàng tử Takamatsu tại Triển lãm thợ rèn kiếm hiện đại hằng năm Shinsakumeitoten. Sau đó, ông trở thành người trẻ nhất đạt được cấp độ nghệ nhân Mukansa khi mới sang tuổi 30. Năm 1980, Yoshindo được mời đến TP Dallas, bang Texas (Mỹ) để trình diễn việc rèn kiếm trước công chúng trong hơn một tháng. 

Hiện tại, lò rèn của nghệ nhân Yoshindo nằm ở Thủ đô Tokyo là nơi quy tụ hơn 300 thợ rèn kiếm chuyên nghiệp. Giữ nguyên truyền thống, ông vẫn sử dụng tamahagane - được tinh luyện từ cát đen giàu sắt trong các lò luyện thép truyền thống có tên tatara. Thời gian để ông Yoshindo tạo ra mỗi thanh kiếm phải mất ít nhất ba tháng. “Cứ sau mỗi tác phẩm, tôi lại tự thách thức bản thân để làm cho nó tốt hơn thanh kiếm trước”, nghệ nhân Yoshindo bày tỏ. Sau 63 năm rèn giũa, những thanh kiếm của ông đều được coi là những tuyệt tác. Một trong những dấu hiệu đặc biệt nhất đối với thanh kiếm được chế tác tinh xảo là đường Hamon. Đây là đường viền của vùng lưỡi cắt, nằm ở ranh giới giữa mép và lõi của lưỡi kiếm. 

Bên cạnh việc chế tạo kiếm, Yoshindo còn làm nhiều việc nhằm nâng tầm cho nghề rèn kiếm như viết sách, tham gia hội thảo hay trình diễn rèn kiếm... Năm 1987, ông cùng hai người bạn Mỹ là vợ chồng Leon và Hiroko Kapp cho ra mắt cuốn sách đầu tiên mang tên “The Craft of the Japanese Sword” (tạm dịch là “Nghề rèn kiếm thủ công Nhật Bản”). Cuốn sách đã đưa ra thêm những kiến thức về lịch sử của tầng lớp samurai và thanh kiếm katana. “Mặc dù các samurai thường mang theo kiếm nhưng họ hiếm khi sử dụng chúng trong chiến đấu mà lại thích các loại vũ khí khác. Đối với họ, thanh kiếm được đeo như một lá bùa may mắn hoặc để thể hiện cá tính”, ông Yoshindo chia sẻ.