Morocco đẩy mạnh ngành công nghiệp hoa hồng

Năm 2020, Morocco ước tính xuất khẩu tới 3.600 tấn hoa hồng. Không chỉ mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho Morocco, ngành công nghiệp liên quan hoa hồng cũng tạo ra nhiều việc làm cho phụ nữ tại quốc gia này.

Phân loại hoa hồng sau thu hoạch tại El Kelaat M’Gouna. Ảnh: GETTY
Phân loại hoa hồng sau thu hoạch tại El Kelaat M’Gouna. Ảnh: GETTY

Những năm gần đây, thị trấn nhỏ El Kelaat M’Gouna ở Morocco ngày càng trở nên nổi tiếng với tên gọi “Thung lũng hoa hồng”. Ở đây, mọi thứ đều xoay quanh loài hoa này: tên của các khách sạn, mầu sắc của taxi, mỹ phẩm trong các cửa hàng, những chiếc vòng cổ được trẻ em tặng dọc các con đường, tác phẩm điêu khắc hoành tráng trang trí bùng binh Kelaat Mgouna và lễ hội hằng năm thu hút hàng nghìn du khách trước đại dịch Covid-19. Đối với người dân ở Morocco, hoa hồng có giá trị sử dụng rất cao, có thể được dùng để chế biến thành nước hoa, mỹ phẩm, bánh mứt, gia vị nấu ăn…

Mỗi mùa xuân, hương thơm nồng nàn của các loại hoa hồng bay khắp các thung lũng thuộc dãy núi Atlas và sa mạc của Sahara ở Morocco. Dù vụ thu hoạch hoa hồng thường chỉ kéo dài khoảng một tháng, song thu hút nhiều phụ nữ trong khu vực. Theo Le Monde, công việc hái lượm hoa hồng bắt đầu vào lúc bình minh và mất khoảng sáu giờ để những người thu hoạch chất đầy hoa vào những chiếc túi lớn trước khi mang chúng đi cân. Izza Aït Ammi Mouh, 40 tuổi, như những người cắt hoa trong nhóm của mình, kiếm được ba dirham (khoảng 0,28 euro) cho mỗi kg hoa hồng được hái bằng tay. Mỗi ngày, Izza ước chừng thu hoạch được 20 kg hoa. Công việc thời vụ này cho phép cô nuôi đủ cả gia đình năm người.

“Những công việc liên quan hoa hồng có thu nhập tốt nhất trong thung lũng”, Najad Hassad, 35 tuổi, cho biết. Najad trước đó làm việc trong một nhà máy đóng gói, nhưng cô đã rời bỏ công việc của mình để trở thành quản lý của hợp tác xã Rosamgoun - một nhà máy chưng cất hoa hồng do hai người dân trong vùng thành lập. Mức lương tại đây được cho là tốt hơn nhiều, với 2.500 dirham (khoảng 230 euro) mỗi tháng so 400 dirham (tương đương 37 euro) tại nhà máy. “Không chỉ có thu nhập tốt hơn, công việc này cũng giúp chúng tôi phát triển ngành công nghiệp chế xuất hoa hồng của địa phương”, Najad chia sẻ.

Theo ông Rochdi Bouker, Chủ tịch Liên đoàn sản xuất nước hoa từ hoa hồng Morocco (Fimarose), không chỉ xuất khẩu hoa tươi, hoa hồng Morocco nổi tiếng dùng để chưng cất để có thể tạo ra nước hoa và tinh dầu. Để tạo ra một lít tinh dầu nguyên chất, ước tính phải sử dụng từ bốn đến năm tấn hoa hồng. Do đó, một lít tinh dầu hoa hồng thường được bán với giá lên tới 15.000 euro. “So với hoa hồng tại các thị trường đứng đầu thế giới như Bulgaria hay Thổ Nhĩ Kỳ, hoa hồng Morocco không sử dụng các loại hóa chất như thuốc trừ sâu hay thuốc diệt côn trùng. Vì vậy, các loại nước hoa hay tinh dầu chiết xuất từ hoa hồng của chúng tôi bảo đảm an toàn đối với người sử dụng”, ông Bouker nhấn mạnh.

Cũng theo ông Bouker, hoa hồng và ngành công nghiệp chế biến hoa hồng đang là “một lĩnh vực ưu tiên phát triển” thời gian gần đây. Dù bị ảnh hưởng nặng nề trong thời gian qua do đại dịch Covid-19 khiến giá hoa bị giảm khoảng 30% so trước đó, song Bộ Nông nghiệp Morocco vẫn nhìn thấy tiềm năng từ lĩnh vực này. Chính phủ Morocco đang tăng cường kêu gọi các nhà đầu tư cũng như tăng sản lượng sản xuất nhằm quảng bá hơn nữa loài hoa trồng hoàn toàn bằng phương pháp hữu cơ này trên toàn thế giới, giúp hoa hồng Morocco có thể tạo nên danh tiếng như hoa hồng Bulgaria hay Thổ Nhĩ Kỳ.

Đồng hành cùng chính phủ, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt hoa hồng tại Morocco cũng tỏ ra lạc quan trước những tác động của Covid-19. Doanh nhân Hafsa Chakibi, 30 tuổi, chủ sở hữu một công ty trong lĩnh vực nói trên cho biết, trước khi đại dịch xảy ra, nước hoa tinh khiết và tự nhiên từ hoa hồng của công ty cô đã thu hút nhiều khách hàng ở Canada, Trung Quốc, Anh, Pháp và Hà Lan. Do đó, cô tin rằng lĩnh vực này sẽ sớm phát triển trở lại trong thời gian tới, khi thế giới đang từng bước thoát khỏi dịch Covid-19.