Mô hình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu

Tại vùng Vatovavy Fitovinany của Madagascar, mưa và hạn hán thất thường đã khiến thu hoạch lúa giảm mạnh. Theo chương trình Môi trường LHQ (UNEP), khí hậu thay đổi đang thách thức các mô hình sản xuất lâu đời ở Madagascar, thúc đẩy các cộng đồng tìm ra những cách mới để tồn tại và phát triển. 

Người dân địa phương chuyển đổi cây trồng để thích ứng biến đổi khí hậu. Ảnh: UNE
Người dân địa phương chuyển đổi cây trồng để thích ứng biến đổi khí hậu. Ảnh: UNE

Bà Vivienne Rakotoarisoa (50 tuổi), sống cùng chồng và con trai ở làng Mangatsiotra trên bờ biển phía đông nam của Madagascar. Như các hộ khác trong khu vực lấy nông nghiệp làm nguồn thu chính, gia đình bà Vivienne cũng phụ thuộc hoàn toàn vào trồng lúa. Trước đây, người dân ở vùng Vatovavy Fitovinany trồng lúa theo mùa vụ. Mùa gieo hạt vào tháng 10 trùng với thời điểm bắt đầu mùa mưa. Song những năm gần đây, khu vực này liên tiếp hứng chịu lũ lụt hoặc hạn hán bất thường. Bà nhớ lại: “Từ năm 1997, lũ lụt hay hạn hán đều tồi tệ hơn trước. Khi tôi còn trẻ, mọi thứ đều bình thường. Nhưng ngày nay, mùa mưa không còn theo lịch cũ và không thể đoán trước được. Đã có những lần trời không mưa suốt trong bảy tháng. Làm nông đã khó mà kiếm tiền còn khó hơn”.

Hạn hán và lượng mưa thất thường chỉ là một vài trong số những thách thức do biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra mà cộng đồng ở Vatovavy Fitovinany phải đối mặt. Madagascar đứng thứ ba trong danh sách các quốc gia dễ bị tổn thương nhất khi tần suất và cường độ bão gia tăng do hiện tượng ấm lên toàn cầu. 

Trong 20 năm qua, đảo quốc ở Đông Phi này đã trải qua hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, lốc xoáy và nhiệt độ cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nông nghiệp, sinh kế và khả năng tiếp cận các nhu cầu thiết yếu, gây ra thiệt hại nặng nề cho người dân nông thôn ở Madagascar.

Ngoài những thách thức trên, lũ lụt còn gây xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến cả nguồn nước uống và thủy nông, làm giảm năng suất lúa. Đây là thách thức nghiêm trọng với Madagascar do sản lượng lúa gạo vẫn phụ thuộc mùa vụ. Thậm chí, người dân ở đây đã quen với khái niệm “mùa đói”, là khoảng thời gian giữa hai vụ thu hoạch. Những đợt hạn hán và lũ lụt xen kẽ đã khiến cây trồng chủ lực điển hình là lúa gạo lại càng kém năng suất, không tạo ra thu nhập tăng thêm. Vivienne cho biết, vào năm mất mùa, gạo thu được chỉ đủ ăn trong một tháng. 

UNEP ghi nhận, người dân địa phương đã học cách thích nghi bằng cách chuyển sang trồng loài cây khác có khả năng chống chịu hạn hán tốt hơn. Bà Vivienne là một trong những người tham gia dự án trồng cây cói xám, hay cây “rambo” theo cách gọi của người dân địa phương. Đây là một loài thực vật thủy sinh chịu hạn, mặc dù không ăn được nhưng dễ sống hơn cây lúa và rất được ưa chuộng làm nguyên liệu thủ công. Cây rambo cũng cho thu nhập cao hơn lại có thể trồng quanh năm, vừa để bán vừa có thể tạo ra các sản phẩm thủ công độc đáo để bán ở địa phương.

Bà Vivienne cho biết, việc chuyển sang trồng rambo đã mang lại thu nhập ổn định hơn cho gia đình bà trong điều kiện khí hậu thay đổi bất thường như hiện nay. Giờ đây, trồng rambo giúp cho thu nhập của bà tăng lên khoảng 200.000 ariary (tương đương 50 USD) mỗi tháng. Khi dự án chuyển sang giai đoạn hai, những hộ làm hàng thủ công của địa phương sẽ được liên kết với hợp tác xã để đưa sản phẩm ra thị trường mới ở cả trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, người dân cũng được khuyến khích chuyển đổi sang một số loại cây trồng mới như cây vani, cà-phê hoặc tìm thêm nguồn thu khác nhằm giảm canh tác phụ thuộc thời tiết, chẳng hạn như nuôi ong lấy mật. Nhờ vậy, các cộng đồng cư dân ven biển của Madagascar đã dần thích ứng với BĐKH thông qua việc phát triển thủ công mỹ nghệ và đặc sản địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh khuyến khích các loại cây trồng tăng thu nhập, giới chức địa phương cũng phải đi kèm với nỗ lực tìm kiếm giải pháp canh tác để tăng năng suất lúa gạo, bảo đảm an ninh lương thực.