Liệu pháp cho bệnh nhân Parkinson

Ước tính có hơn 10.000 người mắc Parkinson, chứng rối loạn thần kinh khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc cử động, tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Một phụ nữ tại quốc gia này đã cho ra đời một liệu pháp hiệu quả giúp cải thiện tình hình.

Lớp học cho các bệnh nhân Parkinson của bà Singh. Ảnh: GULF NEWS
Lớp học cho các bệnh nhân Parkinson của bà Singh. Ảnh: GULF NEWS

The Gulf News dẫn số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, gần 1% dân số toàn cầu bị mắc hội chứng Parkinson. Đáng lo ngại, hội chứng này trước đây chủ yếu thường gặp ở người trung niên và người già, song những năm gần đây lượng người ở độ tuổi 20 đến 30 mắc hội chứng này ngày một tăng. Bà Vonita Singh, người dân UAE gốc Ấn Độ đã nghĩ ra một liệu pháp nhằm giúp những người mắc hội chứng Parkinson có thể cải thiện tình trạng bệnh.

Theo đó, bà Vonita Singh tạo ra vũ điệu Movement Mantra (tạm dịch là “Những chuyển động của tâm thức”). Đây là điệu nhảy có sự kết hợp các kỹ năng thở yoga với một số điệu múa truyền thống Ấn Độ. Các lớp học của bà Singh được tổ chức hai lần một tuần và hoàn toàn miễn phí cho các bệnh nhân. Chia sẻ về ý tưởng này, bà cho biết: “Cha tôi cũng từng là một bệnh nhân Parkinson. Trước đây, chúng tôi thường làm hộ ông mọi việc mà không hề biết rằng, việc vận động có thể làm giảm tình trạng bệnh. Do đó, sau khi ông qua đời năm 2009, tôi đã nghiên cứu và quyết định phải hành động để giúp đỡ các bệnh nhân giống cha tôi”.

TS Willem van der Kamp, nhà thần kinh học tại Trung tâm Khoa học thần kinh Dubai cho rằng, việc tập thể dục là vô cùng quan trọng trong việc kiểm soát bệnh Parkinson. “Các triệu chứng chính của hội chứng này bao gồm đau, cứng cơ, giảm tính linh hoạt và mất thăng bằng, vì vậy chúng tôi khuyến khích bệnh nhân thực hiện các bài tập nhẹ nhàng để giúp tăng cường và rèn luyện cơ bắp của họ. Điều này cũng có thể giúp tránh té ngã và các biến chứng khác. Một lợi ích quan trọng khác của việc tập thể dục nhẹ là giải quyết chứng trầm cảm. Liệu pháp của bà Vonita Singh thật sự đã giúp các học viên lấy lại sự tự tin”.

Hiện trên thế giới vẫn chưa có cách thức nào hiệu quả tuyệt đối để chữa trị bệnh Parkinson. Dù vậy, liệu pháp Movement Mantra của bà Singh đã cho thấy những dấu hiệu tích cực trong việc cải thiện tình trạng bệnh lý. Do đó, các lớp học của bà ngày càng thu hút nhiều bệnh nhân tham gia trong thời gian qua.