Lập nghiệp từ nông thôn

Vỡ mộng với “giấc mơ Tokyo”, nhiều thanh niên Nhật Bản đã quyết tâm rời thủ đô, về những vùng quê xa xôi để khởi nghiệp và tìm kiếm cuộc sống yên bình hơn. 

Kana Hashimoto hạnh phúc với công việc mới tại làng Minami-Aso. Ảnh: THE WASHINGTON POST
Kana Hashimoto hạnh phúc với công việc mới tại làng Minami-Aso. Ảnh: THE WASHINGTON POST

Theo The Washington Post, từ trước đến nay, các thành phố lớn như Tokyo hay Osaka luôn là niềm mơ ước của giới trẻ Nhật Bản. Sau khi tốt nghiệp đại học, hầu hết thanh niên tại quốc gia này đều đổ về các thành phố lớn nhằm tìm kiếm công việc với mức thu nhập cao. Trên thực tế, cuộc sống tại đô thị lại không hề dễ dàng. Áp lực công việc nặng nề khiến tỷ lệ giới trẻ tự tử tại “xứ hoa anh đào” luôn ở mức cao trong nhiều năm qua. Không chỉ vậy, một báo cáo của Bộ Lao động Nhật Bản cũng cho thấy, số người trẻ nước này mắc các bệnh về tâm lý do áp lực công việc, xã hội tại thành phố lớn cũng ngày một tăng. Trước tình hình đó, nhiều thanh niên đã quyết định rời bỏ đô thị, về các vùng quê để khởi nghiệp.

Kana Hashimoto (25 tuổi), từng là nhân viên cấp thấp trong một công ty bảo hiểm tại Tokyo. Cô đã làm việc quần quật với mơ ước sẽ kiếm đủ tiền để sở hữu một trang trại khi về hưu. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 ập đến đã khiến cô phải thay đổi suy nghĩ. Tháng 4 vừa qua, Hashimoto đã quyết định chuyển đến sinh sống tại Minami-Aso, ngôi làng có khoảng 11.000 người ở miền nam Nhật Bản. Cô hiện cùng lúc làm nhiều công việc như làm nông, hỗ trợ phân phối nguyên liệu địa phương cho các nhà hàng quanh vùng, làm việc tại một cửa hàng súp miso và một khu nghỉ dưỡng suối nước nóng. Hashimoto cho biết: “Cuộc sống của tôi bây giờ hoàn toàn khác lúc ở Tokyo. Tôi không nghĩ mình sẽ quay lại Tokyo. Tôi thích khung cảnh thiên nhiên và cảm thấy khỏe mạnh, tràn đầy năng lượng khi ở đây”.

Hashimoto trước đây từng du học tại Canada, mang theo kỳ vọng của gia đình rằng cô sẽ nối nghiệp cha mình, trở thành Tổng Giám đốc điều hành (CEO) cho một công ty bảo hiểm. Do đó, quyết định từ bỏ công việc tại thành phố để về quê của cô đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của cha mẹ. “Cha mẹ tôi đã rất sốc khi tôi nói với họ về ý định của mình. Họ chưa bao giờ có thể tưởng tượng tôi sẽ về quê để làm nông nghiệp. Nhật Bản là đất nước mà phần lớn người dân đều phấn đấu rời nông thôn để tìm kiếm cơ hội việc làm ở các thành phố lớn. Hành động của tôi đã đi ngược lại số đông. Do đó, tôi đã phải đấu tranh và thuyết phục cha mẹ mình rất nhiều”, Hashimoto chia sẻ.

Cũng giống Hashimoto,  Ayaka Suita (30 tuổi) đảm nhiệm công việc nhân sự cho một công ty ở Tokyo. Tuy nhiên, áp lực công việc đã khiến cô luôn nhen nhóm ý định rời khỏi thành phố. Cuối cùng, Suita đã chuyển đến Tsuno-cho, thị trấn có khoảng 10.000 dân thuộc tỉnh Miyazaki, miền nam Nhật Bản sau khi dịch Covid-19 xảy ra. Tại Tsuno-cho, Suita làm việc cho một công ty khởi nghiệp về các dự án không carbon. “Ở công ty tại Tokyo, người trẻ không dễ được trao cơ hội. Tôi sẽ mất nhiều năm nếu muốn thăng chức với công việc cũ. Nhưng ở các vùng nông thôn, bất kể độ tuổi nào cũng có rất nhiều cơ hội. Trước khi đến đây, tôi đã từ bỏ những thứ mà mình cho rằng sẽ khó lấy lại, nhưng sau khi về quê, tôi nhận thấy tiềm năng lớn trong công việc. Tôi đang tham gia các dự án mới và có cơ hội nâng cao kỹ năng, triển vọng nghề nghiệp”.

Lập nghiệp từ nông thôn -0
Ngày càng nhiều thanh niên Nhật Bản bỏ phố về quê. Ảnh: DEAMSTIME

“Rời phố, về quê” là khái niệm không phải quá mới mẻ trên khắp thế giới. Dù vậy, tại Nhật Bản, xu hướng này đang bùng nổ thời gian gần đây, đặc biệt khi đại dịch Covid-19 tàn khốc xuất hiện, khiến sự cạnh tranh tại môi trường công sở cũng như tình trạng thất nghiệp ngày một tăng. Nhiều người trẻ Nhật Bản đã nhận thấy, tìm một công việc “ổn định” trong các công ty, tập đoàn không phải là đích đến duy nhất của thành công. Tìm kiếm các công việc mới mẻ hơn tại các vùng nông thôn trong bối cảnh khan hiếm cơ hội ở thành thị cũng là một xu hướng được nhiều người chọn lựa. 

Kết quả một cuộc khảo sát thực hiện đầu tháng 11 vừa qua của Văn phòng Chính phủ Nhật Bản nhằm đánh giá về tác động của dịch Covid-19 cho thấy, mong muốn rời đô thị đến làm việc tại các vùng quê đang trở nên mãnh liệt hơn với những người ở độ tuổi 20-30. Phần lớn những người được hỏi trên tổng số 10.000 người cho biết, họ đã chán ngán công việc trong các công ty ở Tokyo vì phải làm thêm nhiều giờ, đi tàu điện ngầm chật chội, các cuộc nhậu với sếp sau giờ làm và hệ thống phân cấp nghiêm ngặt. 

Cũng theo khảo sát nói trên, khoảng một phần ba số người trong độ tuổi 20-30 sống ở Tokyo cho biết, họ đã lên kế hoạch để chuyển về vùng nông thôn sinh sống. Riêng với những người trong độ tuổi 20, khoảng 44,9% số người được hỏi đã cân nhắc đến việc rời phố về quê.

Theo Kyodo News, những năm trước, dân số tại các vùng nông thôn của Nhật Bản đã thu hẹp nhanh chóng vì tỷ lệ sinh giảm, trong khi những người trẻ đổ xô lên thành phố lớn. Trước tình hình đó, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio mới đây khuyến khích đầu tư vào các chương trình nhằm thu hẹp khoảng cách giữa thành phố và nông thôn. Chính quyền các địa phương cũng đã ban hành nhiều chính sách nhằm thu hút giới trẻ, như thúc đẩy làm việc từ xa, bán nhà ở với giá ưu đãi cho người trẻ. 

Bà Eri Otsu, Giám đốc HERS - tổ chức phi chính phủ với mục tiêu giảm chênh lệch giới trong nông nghiệp cho biết, tổ chức này đã tăng cường các lớp học và hội thảo trực tuyến dành cho những phụ nữ muốn tìm hiểu cuộc sống, việc làm và nuôi dạy con cái ở vùng nông thôn Nhật Bản. Trước đại dịch, HERS đã nhận được nhiều câu hỏi từ những phụ nữ cảm thấy chán nản hoặc kiệt sức với yêu cầu vừa làm việc vừa nuôi con ở Tokyo nên muốn tìm kiếm một cuộc sống mới thoải mái hơn. Tuy nhiên, những câu hỏi mà bà nhận được kể từ khi đại dịch diễn ra đã tích cực hơn. “Nhiều phụ nữ cho thấy họ thật sự hứng thú để theo đuổi ước mơ ở các vùng nông thôn, chứ không đơn giản chỉ là chán ghét cuộc sống thành thị”, bà Otsu cho biết.

Dù vậy, theo bà Otsu, những người trẻ đến các vùng nông thôn thường gặp khó khăn khi xây dựng quan hệ xã hội vì phần lớn những người dân ở đây đều đã lớn tuổi. Song, các tổ chức phi chính phủ đang nỗ lực giúp đỡ những người trẻ có thể hòa nhập với cuộc sống nông thôn trong thời gian sớm nhất.