Hy vọng mới cho người dân Kenya

Với nhiều người dân Kenya, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa, tiếp cận hệ thống y tế là việc vô cùng khó khăn. Những trạm y tế lưu động trên lưng lạc đà đang mang lại những hy vọng cho nhiều người dân quốc gia châu Phi này.

Lạc đà chở vật dụng y tế đến các ngôi làng xa xôi ở Kenya. Ảnh: THE GUARDIAN
Lạc đà chở vật dụng y tế đến các ngôi làng xa xôi ở Kenya. Ảnh: THE GUARDIAN

Theo BBC, Kenya là một trong những quốc gia có tỷ lệ người dân không được tiếp cận các dịch vụ y tế cao nhất châu Phi. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do sự nghèo đói, trong khi các dịch vụ chăm sóc sức khỏe rất tốn kém. Không chỉ vậy, tại các vùng nông thôn, cơ sở y tế thường cách quá xa khu vực người dân sinh sống. Trong các trường hợp buộc phải đến trạm y tế, người dân thường phải mất hàng giờ để di chuyển. Việc khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, thêm vào đó là tư tưởng lạc hậu của xã hội đã khiến nhiều người Kenya tử vong một cách đáng tiếc. Theo số liệu của Chính phủ Kenya, số phụ nữ tử vong do sinh khó ở nước này luôn ở mức đáng báo động.

Jacinta Peresia là một phụ nữ sinh sống tại Lekiji, một ngôi làng hẻo lánh nằm giữa sông Ewaso và Nanyuki ở miền trung Kenya, cách thị trấn gần nhất là Nanyuki khoảng 80 km. Peresia từng suýt mất mạng cách đây sáu năm khi sinh khó đứa con thứ 11. May mắn, khi đó cô đã được đội ngũ y, bác sĩ cấp cứu kịp thời. Chồng của Peresia trước đây từng do dự không muốn cho cô thăm khám hay nhận bất kỳ dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản nào, nhưng sự việc sáu năm trước đã khiến anh thay đổi suy nghĩ và khuyến khích Peresia nên thường xuyên xin tư vấn từ các bác sĩ. Peresia cho biết: “Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc tiếp cận các dịch vụ y tế trong suốt nhiều năm do tư tưởng lạc hậu, cũng như các cơ sở y tế thường chỉ có ở các thành phố lớn. Tôi đã rất vất vả khi mang thai và sinh con”.

Nhận thấy sự khó khăn của người dân trong việc chăm sóc sức khỏe, chính quyền Kenya cùng tổ chức phi chính phủ Communities Health Africa Trust (còn gọi là CHAT) đã quyết định triển khai các trạm y tế lưu động tới những cộng đồng như tại làng Lekiji. Do đường tới những khu vực này rất khó đi, không thể sử dụng ô-tô nên các nhân viên và các tình nguyện viên phải dùng lạc đà để chở các vật dụng y tế cần thiết. Khi những con lạc đà tới những khu dân cư xa xôi, tất cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em nơi đây đều đã xếp thành một hàng dài chờ nhân viên dỡ đồ đạc, dọn bàn khám và dựng lều.

“Sau khi sinh tới 11 đứa con tôi mới bắt đầu tiếp cận các dịch vụ y tế. Các bác sĩ đã khuyên tôi nên sử dụng biện pháp tránh thai để bảo vệ sức khỏe của mình. Trước đó, tôi không biết rằng tránh thai là một lựa chọn an toàn để bảo đảm kế hoạch hóa gia đình cũng như sức khỏe bản thân. Hậu quả là chúng tôi ngày càng nghèo đói và sức khỏe ngày càng yếu”, Peresia chia sẻ.

Hy vọng mới cho người dân Kenya -0
Các trạm y tế lưu động đã giúp thay đổi suy nghĩ của nhiều người dân. 
Ảnh: THE GUARDIAN 

Theo The Guardian, làng Lekiji chỉ là một trong số nhiều vùng tại Kenya mà người dân gặp khó trong việc tiếp cận hệ thống y tế. Các vùng hẻo lánh tại quốc gia này thường sở hữu vẻ đẹp tự nhiên và di sản tiền sử phong phú với niên đại hàng triệu năm. Dù vậy, việc khai thác quá mức đã khiến nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt. Nghèo đói khiến hầu hết trẻ em ở các vùng sâu, vùng xa ở Kenya đều kết thúc chương trình giáo dục chính thức ở bậc tiểu học. Tình hình đó khiến tỷ lệ trẻ em gái kết hôn, mang thai ở tuổi vị thành niên ngày càng tăng, dẫn đến các vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng.

Elizabeth Kibatis, 19 tuổi, được coi là người tiên phong trong làng Lekiji, đặc biệt là phụ nữ chú ý đến sức khỏe của bản thân. Trong những năm qua, Kibatis đã làm việc với CHAT để tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình. Cô thuyết phục những phụ nữ và trẻ em gái khác về lợi ích của việc kiểm soát cơ thể và khả năng chăm sóc con cái. Chỉ trong một thời gian ngắn, Kibatis đã tạo ra những thay đổi rõ rệt về tư tưởng cho nhiều phụ nữ trong làng.

“Ban đầu, mọi người không muốn nói chuyện về kế hoạch hóa gia đình. Tôi bắt đầu tâm sự với ba người bạn và điều đó đã tạo ra hiệu ứng tích cực. Họ đã nhận ra rằng họ không đủ sức khỏe để đẻ thêm nhiều con cái cũng như đủ kinh tế để nuôi dạy chúng, trong khi chính bản thân họ đang phải chịu cảnh không đủ lương thực, củi, nước và phải làm những công việc thấp kém để kiếm tiền. Chính thực tế đó đang khiến nhiều cặp vợ chồng quyết định thực hiện kế hoạch hóa gia đình”, Kibatis chia sẻ.

Cũng theo Kibatis, trước đây, lý do chính mà phụ nữ Kenya không tìm hiểu kế hoạch hóa gia đình là do nam giới. “Nếu người chồng phát hiện ra vợ họ sử dụng các biện pháp tránh thai, phụ nữ sẽ bị bạo hành và nhận sự ghẻ lạnh. Đó là lý do tại sao chúng tôi cố gắng thu hút nam giới tham gia, tìm cách khiến họ hiểu rằng các dịch vụ sức khỏe sinh sản mang lại lợi ích cho tất cả mọi người và cải thiện hạnh phúc gia đình. Trước đó, các thông tin sai lệch về việc sử dụng các biện pháp tránh thai khiến phụ nữ bị bệnh cũng khiến việc kế hoạch hóa gia đình bị bài trừ tại các khu vực này”, Kibatis thông tin thêm.

Trong ba năm qua, bằng sự năng nổ, Kibatis cùng tổ chức CHAT đã triển khai các trạm y tế lưu động, giúp tiếp cận hơn 100.000 người dân với các thông điệp thay đổi tập trung vào kế hoạch hóa gia đình, phòng, chống bệnh lao, HIV và Covid-19 trên 14 khu vực ở Kenya. Khoảng 37.000 phụ nữ đã lựa chọn các phương pháp kế hoạch hóa gia đình lâu dài hơn. Nhiều phụ nữ lớn tuổi tại Kenya cho biết, họ đã khuyến khích các con của họ chỉ sinh đủ số con mà chúng có thể chăm sóc và nuôi dạy tốt. 

Những kết quả tích cực mà trạm y tế lưu động mang lại đã giúp CHAT nhận được những đánh giá tích cực từ cộng đồng. Tổ chức này đang lên kế hoạch thu hút thêm các tình nguyện viên nhằm đưa các trạm y tế lưu động đến nhiều nơi hơn nữa trên khắp Kenya. Cùng với việc tuyên truyền về sức khỏe cộng đồng, hỗ trợ người dân tiếp cận các dịch vụ y tế, chính quyền Kenya cùng CHAT cũng giúp người dân nhận ra mối liên hệ giữa con người, sức khỏe, môi trường sống và các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nhiều chiến dịch trồng cây xanh trong nỗ lực tái trồng rừng đã được thúc đẩy tại những ngôi làng tại Kenya. “Khi thế giới thay đổi, chúng ta cũng cần thay đổi,” Kibatis khẳng định.