Hồi sinh văn hóa Orang Laut

Trong quá khứ, cộng đồng người bản địa Orang Laut từng phát triển mạnh và trở thành nền văn hóa quan trọng của một khu vực rộng lớn, trải dài từ Singapore, Malaysia cho tới quần đảo Riau (Indonesia), các đảo ven biển Andaman (Ấn Độ), thậm chí tận Thái-lan và Myanmar. Mặc dù dấu tích văn hóa của những người “du mục trên biển” này đã mai một, nhưng ngày càng có nhiều hậu duệ của họ tại Singapore vẫn nỗ lực phục hồi các giá trị truyền thống Orang Laut, đặc biệt thông qua nghệ thuật ẩm thực. 

Người Orang Laut sinh sống chủ yếu nhờ đánh bắt hải sản. Ảnh: GETTY
Người Orang Laut sinh sống chủ yếu nhờ đánh bắt hải sản. Ảnh: GETTY

Như thường lệ, trong những chuyến thăm nơi ở của người bà quá cố, gia đình chị Asnida Daud - một hậu duệ của người Orang Laut, luôn có một buổi sum họp gia đình, ngồi xếp bằng trên sàn nhà và dùng tay ăn theo phong tục cũ. Điểm nổi bật trong bữa ăn truyền thống này là món “asam pedas” (món cá đuối chua cay nấu bằng me khô). Theo lời kể của Asnida, các truyền thống này lưu truyền từ tổ tiên người Orang Laut sống tại Pulau Sudong, một hòn đảo ngoài khơi bờ biển phía nam Singapore. Họ được coi là những người bản địa đầu tiên của Singapore.

Các bộ tộc Orang Laut tại Singapore bao gồm bốn cộng đồng lớn nhất, gồm người Orang Seletar sống trong rừng ngập mặn của sông Seletar; người Orang Biduanda Kallang định cư ở sông Kallang; cộng đồng Orang Gelam tập trung chủ yếu ở cửa sông Singapore và người Orang Selat tại quần đảo phía nam. Ngoài ra, còn có các cộng đồng Orang Laut nhỏ hơn sống tại các nhà thuyền trên biển ở phía nam bán đảo Malaysia và quần đảo Riau (Indonesia). Bản thân mẹ của Asnida là người Orang Laut thuộc bộ tộc Orang Galang ở Indonesia.

Phong cách sống của người Orang Laut là du mục và bám biển. Họ chủ yếu hái lượm và săn bắn trong rừng ngập mặn, kết hợp đánh bắt hải sản ở lưu vực sông và trên biển. Nhưng theo thời gian, văn hóa Orang Laut đã biến mất dần do việc phá hủy các ngôi làng và tái định cư trong các khu tập thể, phục vụ quá trình công nghiệp hóa từ những năm 60 đến những năm 90 của thế kỷ trước.

Trong số những giá trị hiếm hoi còn lại, ẩm thực Orang Laut, với nét chủ đạo là các món hải sản như món mực “sotong hitam”, ốc biển nấu nước sốt dừa “siput sedut lemak” hay món cá đuối asam pedas… từng có lúc đứng trước “bờ vực” biến mất hoàn toàn. Chính nỗi lo ngại về việc di sản phong phú này bị mất đi đã khiến ông Firdaus Sani, một hậu duệ người Orang Laut tại Singapore, mở một doanh nghiệp giao đồ ăn tại nhà mang tên “Orang Laut Singapore” vào tháng 8/2020. 

Với các món ăn truyền thống trong thực đơn, đây là một sáng kiến ​​chia sẻ văn hóa và tôn vinh những phong tục truyền thống của cộng đồng Orang Laut. Ông Sani khẳng định: “Nhiều món ăn của chúng tôi đã bị biến mất theo thời gian. Nhiệm vụ của những hậu duệ như tôi là làm nổi bật ẩm thực Orang Laut, giúp nó tìm thấy vị trí xứng đáng của mình trên bản đồ ẩm thực của Singapore”.

Đồng quan điểm này, Asnida cho biết: “Ẩm thực của người Orang Laut không chỉ để sinh tồn mà còn là một trong những phương tiện hữu hình để thể hiện bản sắc văn hóa. Các món ăn của chúng tôi phản ánh kiến ​​thức và kinh nghiệm của tổ tiên qua nhiều thế hệ. Đơn cử, không phải là ngẫu nhiên mà me khô “asam” được sử dụng trong món asam pedas. Me khô có đặc tính kháng khuẩn và vị chua, ngọt của nó bổ sung cho hương vị của cá đuối. Thêm vào đó, văn hóa ẩm thực của người Orang Laut còn dạy cho con người hiện đại về một lối sống bền vững hơn. “Thức ăn là món quà từ biển cả. Hãy tôn trọng biển và đừng đánh bắt cá quá mức”, ông Mohamed Shahrom Bin Mohd Taha - hậu duệ của bộ tộc Orang Biduanda Kallang bày tỏ.

Trên thực tế, ngày càng có nhiều người quan tâm hơn tới ẩm thực của người Orang Laut. Kể từ khi thành lập, số lượng đơn đặt hàng mỗi tuần của công ty Orang Laut Singapore đã tăng hơn gấp ba lần. Thậm chí, Đại sứ quán Estonia tại Singapore mới đây cũng đặt hàng món ăn Orang Laut truyền thống, nhân chuyến công du đầu tiên của Tổng thống Estonia đến nước này. Ngoài nỗ lực phổ biến ẩm thực Orang Laut, ông Sani cũng đã trở thành người có tiếng nói trong việc phản ánh những vấn đề mà cộng đồng bản địa Orang Laut phải đối mặt, đặc biệt là các vấn đề khai thác bền vững tài nguyên biển.