Hồi sinh các rạp hát lưu động tại Ấn Độ

Các nhóm kịch lưu động ở bang Assam, phía đông bắc Ấn Độ đang bắt đầu quay trở lại biểu diễn nhằm hồi sinh nền văn hóa và nghệ thuật địa phương sau thời gian dài gián đoạn vì đại dịch Covid-19.

Đi xem kịch là hình thức giải trí phổ biến của một bộ phận người dân Ấn Độ. Ảnh: AP
Đi xem kịch là hình thức giải trí phổ biến của một bộ phận người dân Ấn Độ. Ảnh: AP

“Bhramyaman”, hay còn gọi là nhà hát lưu động, là một nét văn hóa truyền thống độc đáo của người dân tại các vùng nông thôn Ấn Độ, đặc biệt là bang Assam. Từ những năm 60 của thế kỷ trước, việc đi xem kịch tại các nhà hát lưu động đã trở thành hình thức giải trí phổ biến của người dân nơi đây. Tại Assam, ước tính có khoảng 50 nhóm kịch lưu động, mỗi nhóm gồm từ 120 đến 150 người, biểu diễn khắp bang bắt đầu từ tháng 9 và kéo dài cho đến tháng 4 năm sau đó, trùng với thời điểm các lễ hội lớn của người Ấn Độ như “Durga Puja” và “Diwali”.

“Các nhà hát lưu động là hình thức giải trí không thể thiếu mỗi tuần trong mùa lễ hội của chúng tôi. Nội dung của các vở kịch rất đặc sắc và đa dạng, như đề cập đến những bi kịch cổ điển của Hy Lạp, truyện cổ tích Shakespeare và cả các chủ đề lịch sử như vụ đắm tàu Titanic, vụ tai nạn của Công nương Diana hay cuộc tiến công của trùm khủng bố Al qaeda Osama bin Laden vào tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại thế giới tại thành phố New York (Mỹ) năm 2001…”, đại diện lãnh đạo bang Assam cho biết.  Thông thường, mỗi lần lưu diễn, các nhóm kịch sẽ thường đi cả đoàn bao gồm đạo diễn, diễn viên, vũ công, ca sĩ, kỹ thuật viên, tài xế và đầu bếp, ngoài ra còn mang theo tất cả cơ sở hạ tầng sân khấu để biểu diễn ba buổi diễn tại một nơi trước khi chuyển sang địa điểm tạm thời tiếp theo. 

Dù vậy, đại dịch Covid-19 ập đến, các lệnh phong tỏa hay cấm tụ tập đông người đã khiến những rạp hát này buộc phải tạm ngừng công diễn. Thời gian gần đây, khi dịch được kiểm soát tốt hơn, các biện pháp phòng, chống dịch được nới lỏng, hình thức giải trí này đã bắt đầu quay trở lại tại các làng quê Ấn Độ sau gần hai năm. Theo AP, tổng cộng bảy đoàn kịch lưu động ở bang Assam đã tổ chức các buổi biểu diễn trực tiếp trước đám đông ở các làng, thị trấn và thành phố trên toàn bang từ tháng 3 vừa qua và đã kết thúc mùa lưu diễn vào tuần trước.

Hồi sinh các rạp hát lưu động tại Ấn Độ -0
Một diễn viên chuẩn bị trước giờ biểu diễn. Ảnh: AP 

“Phản ứng của công chúng rất tốt. Họ yêu thích các buổi biểu diễn trực tiếp”, Prastuti Parashar, một nữ diễn viên hàng đầu của đoàn kịch lưu động Awahan Theater ở Assam hào hứng. Parashar cũng tiết lộ, trước đó đoàn kịch cũng từng biểu diễn trực tuyến, song cách này không hiệu quả khi có tới 65% dân số tại các vùng quê Ấn Độ không được tiếp cận các nguồn điện ổn định. Theo nữ diễn viên nói trên, dù mới chỉ lưu diễn lại trong một thời gian ngắn, song các vở kịch vẫn liên tục cháy vé. Điều này đã khích lệ tinh thần các thành viên đoàn kịch rất nhiều. Trong thời kỳ đại dịch làm gián đoạn các buổi diễn trực tiếp, một số nghệ sĩ và nhạc sĩ đã bị thất nghiệp hoặc phải làm các công việc bán thời gian, song không thể kiếm đủ thu nhập để trang trải cuộc sống.

Trong khi đó, Nandana Anand, một khán giả 32 tuổi tại Assam cũng cho biết, việc giãn cách xã hội và tránh tụ tập đông người trong khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều người bị ảnh hưởng tinh thần nặng nề. Từ tháng 3, khi các nhà hát lưu động quay trở lại, các buổi diễn liên tục kín chỗ. “Các vở kịch đã giúp chúng tôi giải tỏa tinh thần sau một thời gian dài”, Anand nhấn mạnh.

Theo giới chức địa phương bang Assam, không chỉ là một nét văn hóa truyền thống, từ trước đến nay, một phần lợi nhuận từ các rạp hát lưu động thường được trích cho các dự án phát triển địa phương, bao gồm trường học, đền thờ và các tổ chức phúc lợi xã hội khác... Do đó, chính quyền Assam nói riêng và các khu vực miền quê nói chung tại Ấn Độ cũng đang có những giải pháp giúp hồi sinh các rạp hát lưu động trong thời gian tới.