Học lịch sử lý thú

Tại Anh, môn Lịch sử được giảng dạy cho học sinh từ 5 đến 14 tuổi với thời lượng khoảng hai giờ mỗi tuần. Trẻ em có cơ hội tìm hiểu về những nhân vật hoặc sự kiện cụ thể và thường gắn liền với nơi sinh sống.

Nhà du hành vũ trụ Tim Peake chụp ảnh cùng trẻ em Anh. Ảnh: THE ARGUS
Nhà du hành vũ trụ Tim Peake chụp ảnh cùng trẻ em Anh. Ảnh: THE ARGUS

Theo trang Oxford Owl, ngay từ giai đoạn đầu tiểu học, trẻ em được “học” bằng cách tự tìm hiểu về những nhân vật hoặc sự kiện cụ thể trong lịch sử, bao gồm cả những nhân chứng còn sống. Sau đó, các em kể lại trên lớp thông qua việc nhập vai hoặc diễn kịch. Những nhân vật phổ biến thường được dạy trong tiết Lịch sử ở Anh là nhà du hành vũ trụ người Anh Tim Peake - cựu thành viên phi hành đoàn Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) hoặc Grace Darling - con gái của một người canh giữ ngọn hải đăng ở Anh đã giải cứu những người sống sót khỏi vụ đắm tàu ​​Forfarshire năm 1838… 

Thông thường, giáo viên sẽ chọn nhân vật, sự kiện liên kết chặt chẽ với địa phương để dạy cho học sinh. Ông James Underwoods, một giáo viên Lịch sử lâu năm tại Anh cho biết: “Khi dạy cho học sinh 11, 12 tuổi, tôi đã bỏ ra vài tuần chỉ để quan sát những người sống trong một lâu đài gần thị trấn để phân tích và thấu hiểu cuộc sống của họ. Ở một lớp khác, các em được học về những người lính trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Có nhiều buổi học, chúng tôi dành thời gian để phân tích nhật ký, bài thơ, các bức thư tình của họ”.

Để môn Lịch sử không khô khan và nhàm chán, trường học có thể tổ chức “Ngày lịch sử”, mời những người sẵn sàng đến và nói chuyện với một lớp nếu họ có kiến ​​thức cụ thể về một giai đoạn lịch sử, đó có thể đơn giản là những hiểu biết về cuộc sống trước khi có internet. 

Giáo viên cũng khuyến khích phụ huynh dẫn trẻ tới tham quan bảo tàng hay các di tích liên quan chủ đề lịch sử trên lớp để trẻ hứng thú hơn với những gì trẻ đang được học. Bên cạnh đó, trẻ cũng được khuyến đọc các cuốn sách thiếu nhi về lịch sử. Giáo viên cũng giao bài tập về nhà là viết luận để trẻ phát huy khả năng tự tìm kiếm thông tin. Khi ở trên lớp, học sinh được chia thành các nhóm để tranh luận, bảo vệ quan điểm và lập luận của mình về các sự kiện lịch sử.