Đội nữ kiểm lâm Akashinga

Một đội chống săn trộm gồm toàn phụ nữ ở Zimbabwe hoạt động như “lực lượng đặc nhiệm” luôn sẵn sàng bảo vệ động vật hoang dã. Công việc này giúp họ khẳng định vai trò của phụ nữ. Nhiều người trong số họ có hoàn cảnh khó khăn, vì thế nó còn mang lại nguồn thu nhập cho gia đình.

Một hoạt động huấn luyện của đội nữ kiểm lâm Akashinga. Ảnh: AFP
Một hoạt động huấn luyện của đội nữ kiểm lâm Akashinga. Ảnh: AFP

Nhóm chống săn trộm Akashinga thuộc Ban quản lý Khu bảo tồn động vật hoang dã Phundundu, nằm trong quần thể Thung lũng Zambezi của Zimbabwe. Khu vực này rộng hơn 200 km², đã mất hàng nghìn con voi và hàng trăm loài khác vào tay những kẻ săn trộm trong hơn 20 năm qua.

Luật pháp Zimbabwe không cho phép săn bắn động vật hoang dã mà không có giấy phép và hành động này có thể bị truy tố hình sự. Song tại “chợ đen”, các vật phẩm thu được từ thú hoang như da, răng, móng vuốt, xương... có thể được bán với giá hàng trăm USD mỗi món, đem lại khoản thu nhập tương đối cao cho những kẻ săn trộm. Do đó, vẫn luôn có nhiều kẻ tìm đến săn bắn trái phép trong các khu bảo tồn và đây là thách thức không nhỏ ở quốc gia châu Phi.

Tại khu bảo tồn Phundundu, nhóm chống săn bắn trộm Akashinga đã hoạt động từ hơn 10 năm nay và đứng trên tuyến đầu của cuộc chiến chống nạn săn bắn trái phép động vật hoang dã ở châu Phi. Cựu quân nhân người Australia Damien Mander là người sáng lập và huấn luyện các đội kiểm lâm. Sau nhiều năm đào tạo, ông Mander cho rằng, phụ nữ địa phương rất phù hợp công việc này và khuyến khích họ tham gia. Ông cho biết, trong nhiều trường hợp, các nữ kiểm lâm đóng vai trò “hạ nhiệt”, ngăn chặn các tình huống bạo lực và khó bị hối lộ hơn nam giới.

Phần lớn thành viên trong đội chống săn trộm là phụ nữ địa phương sống tại các ngôi làng chung quanh Phundundu. Trong số họ, có những người từng là nạn nhân bị bạo hành, bạo lực gia đình hoặc trẻ mồ côi. Vimbai Kumire là một nữ nhân viên kiểm lâm một mình nuôi hai con gái nhỏ do chồng cô đã bỏ đi cách đây nhiều năm. Cô tham gia đội chống săn trộm do được bạn bè giới thiệu và đã gắn bó với các chị em trong đội như một gia đình thứ hai. “Sau những giờ làm việc vất vả, tôi trở về chơi đùa cùng các con gái và kể về công việc của tôi. Đó là niềm tự hào đối với chúng”, Kumire cho biết.

Tuy vậy, đây cũng không phải là công việc dễ dàng, đặc biệt là với phụ nữ. Các thành viên của đội phải tập luyện liên tục nhiều ngày trong điều kiện khắc nghiệt. Khóa tập huấn bao gồm vác vật nặng qua sông, thức canh gác trong đêm và trên thực tế, có những lúc họ đã phải chịu đói và mệt mỏi sau nhiều ngày lần theo dấu bọn săn trộm. Kumire cho biết, trong số 37 tân binh bắt đầu khóa học cùng với cô, chỉ có 16 người đủ sức khỏe và đáp ứng yêu cầu. Những năm trước, đã có nhiều người, kể cả nam giới, phải bỏ cuộc vì quá vất vả. Các thành viên thường xuyên phải đi tuần tra và có nguy cơ đối mặt những kẻ săn trộm liều lĩnh được trang bị vũ khí. Bởi vậy, họ luôn phải đặt kỷ luật tập thể lên trên hết.

Kumire kể lại rằng, khi mới bắt đầu tham gia nhóm tuần tra, họ rất ít khi nhìn thấy thú hoang, thông thường phải đi cả tuần mới gặp một con voi hay báo đốm. “Thời gian gần đây, chúng tôi phát hiện động vật hoang dã mỗi ngày. Đó là nhờ việc ngăn chặn các tay săn trộm đã giúp các con thú quay trở lại”, cô cho biết. Ngoài ra, công việc của nhóm hiện nay còn bao gồm nhắc nhở cộng đồng người dân sống trong khu vực để giúp đỡ kiểm lâm và chấp hành các quy định bảo vệ động vật hoang dã. Theo Kumire, nguyên tắc hoạt động của nhóm là “Động vật hoang dã còn sống đáng giá cho cộng đồng hơn là chết dưới tay những kẻ săn trộm”.

Khảo sát cho thấy, các nữ kiểm lâm có thu nhập trung bình khá và với khoản lương từ công việc này, họ có thể chăm sóc tốt cho gia đình và con cái. Vì thế, việc thu hút phụ nữ bản địa tham gia công việc bảo tồn cũng góp phần nâng cao chất lượng đời sống ở địa phương và đang trở thành hình mẫu được áp dụng rộng rãi.