Ấn Độ cải thiện ô nhiễm âm thanh

Đối với du khách đến thăm Ấn Độ, những tiếng còi tàu, xe có thể khiến họ ban đầu thấy thú vị. Nhưng với người dân bản xứ, đó lại là một loại ô nhiễm âm thanh cực kỳ khó chịu, thậm chí ảnh hưởng sức khỏe cũng như tinh thần. Bởi vậy, mới đây Bộ trưởng Giao thông Ấn Độ Nitin Gadkari đã đề xuất kế hoạch loại bỏ các loại còi xe hoặc còi hú chói tai, thay thế chúng bằng âm thanh của nhạc cụ, góp phần cải thiện tình trạng hiện nay.

Giao thông đông đúc là nguyên nhân chính gây ô nhiễm âm thanh ở Ấn Độ. Ảnh: CARSCOOPS
Giao thông đông đúc là nguyên nhân chính gây ô nhiễm âm thanh ở Ấn Độ. Ảnh: CARSCOOPS

Hậu quả của ô nhiễm âm thanh cũng nghiêm trọng không kém các loại ô nhiễm môi trường khác. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, ô nhiễm tiếng ồn có thể gây mất thính giác, tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, suy giảm nhận thức, căng thẳng và trầm cảm. Các nhà nghiên cứu về tiếng ồn cho biết, mức độ tiếng ồn vượt quá 90 decibel trong thời gian liên tục có thể gây mất thính lực. Nếu tai người tiếp xúc trực tiếp chỉ một lần duy nhất với âm thanh lên tới 150 decibel sẽ gây tổn thương vĩnh viễn tai. 

Ở các thành phố lớn của Ấn Độ như Bombay, Calcutta và Delhi, mức độ tiếng ồn trung bình đo được là từ 65 đến 90 decibel. Ngoài ra, tại một số khu vực cụ thể, việc liên tục tiếp xúc với tiếng ồn từ 110 - 120 decibel có thể dẫn đến việc thu hẹp tầm nhìn, chóng mặt và ảnh hưởng đến khả năng nghe của một số lượng lớn người dân. 

Chính sự bùng nổ dân số tại các thành phố lớn là nguyên nhân hàng đầu gia tăng sự ô nhiễm tiếng ồn. Nếu như trước đây, nguồn gây ô nhiễm tiếng ồn chỉ giới hạn trong một số khu vực đặc biệt như nhà máy hoặc khu công nghiệp, thì ngày nay nó xuất phát từ nhiều nơi. Từ tiếng nói con người cho tới các công trường xây dựng, loa phát thanh, ô-tô, xe máy, máy bay, tàu hỏa… đều trở thành nguồn phát âm thanh. 

Tờ The Hindu dẫn lời Bộ trưởng Gadkari cho biết: “Tôi đang nghiên cứu vấn đề ô nhiễm âm thanh tại các thành phố và có kế hoạch đề xuất luật mới cấm dùng còi của tất cả các phương tiện, thay vào đó là tiếng của nhạc cụ với những âm thanh dễ chịu như sáo, violin, organ, harmoni… Một nghệ sĩ đã sáng tác một giai điệu và nó được phát vào sáng sớm trên Đài phát thanh toàn Ấn Độ Akashwani. Tôi đang nghĩ đến việc sử dụng giai điệu đó cho xe cứu thương và xe cảnh sát để mọi người cảm thấy dễ chịu”.

Ấn Độ cải thiện ô nhiễm âm thanh -0
Lượng xe quá tải ở thành phố New Delhi. Ảnh: THE TIMES

Hiện tại, các thành phố đông dân nhất của Ấn Độ là Mumbai, Kolkata, Delhi, Chennai và Nagpur là những nơi nổi tiếng về mức độ ồn ào. Ủy ban Kiểm soát ô nhiễm trung ương (CPCB) từng công bố một báo cáo cho thấy, Chennai là nơi ồn nhất. Mức ồn trung bình trong ngày ở đây là 67,8 decibel, cao hơn mức 61 decibel của Delhi. Vào năm 2017, CPCB đã cấm còi xe áp suất, đa âm sắc và âm nhạc. Hai năm sau, Đạo luật Phương tiện cơ giới cũng được sửa đổi và việc gây ô nhiễm không khí cũng như tiếng ồn có thể bị phạt tới 133 USD, thay vì mức phạt 13 USD theo quy định của đạo luật cũ năm 1988.

Bên cạnh đó, tình trạng đường sá xuống cấp với những ổ gà lớn, cộng thêm trình độ và thái độ lái xe yếu kém đã dẫn đến việc sử dụng nhiều còi khi tham gia giao thông trong suốt thời gian dài. Giải quyết trước mắt tình trạng này, các chuyên gia thiết kế đô thị đã đề xuất việc lắp đặt những tấm tiêu âm làm bằng sợi tự nhiên như bông, trấu và đay trên các trụ tàu điện ngầm hoặc khu vực đường nhiều bê-tông… 

Không ít chuyên gia cho rằng, Bộ Giao thông Ấn Độ cần áp dụng nghiêm ngặt các khu vực cấm bấm còi như trường học và bệnh viện. Điều đó sẽ gia tăng hiệu quả hơn so thay còi bằng một âm thanh khác như đề xuất vừa qua. Đồng thời, việc xử phạt nặng những người sử dụng còi gây ồn ào cũng là một yêu cầu cấp thiết. Ở Kerala, cảnh sát giao thông đã được trang bị máy đo âm thanh hiện đại, có thể đo chính xác độ lớn của bất kỳ chiếc còi nào và xử phạt tài xế ngay tại chỗ.