Vụ bê bối thực phẩm nhiễm khuẩn

Chỉ trong vòng một tuần qua, số ca nhiễm khuẩn salmonella liên quan các sản phẩm trứng chocolate Kinder Surprise do nhà máy thuộc Tập đoàn sản xuất bánh kẹo Ferrero của Italy, đặt tại thị trấn Arlon (Bỉ) sản xuất, liên tục tăng cao tại châu Âu. Vụ việc trở nên đáng lo ngại khi hầu hết các nạn nhân đều là trẻ em dưới 10 tuổi.

Sản phẩm trứng chocolate Kinder Surprise của hãng Ferrero. Ảnh: AFP
Sản phẩm trứng chocolate Kinder Surprise của hãng Ferrero. Ảnh: AFP

Tổng cộng 150 ca nhiễm khuẩn salmonella đã được ghi nhận tại 10 quốc gia châu Âu, gồm Bỉ, Pháp, Đức, Ireland, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Anh. Trong một tuyên bố chung ngày 12/4, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu và Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu cho biết, phần lớn trường hợp nhiễm khuẩn salmonella là trẻ em dưới 10 tuổi, trong đó nhiều ca phải nhập viện. Các cơ quan trên khuyến cáo các nước cần tiếp tục theo dõi vì có khả năng số ca nhiễm còn tăng trong những ngày tới.

Theo The Guardian, salmonella là độc tố gây bệnh đường tiêu hóa. Dấu hiệu khởi phát gồm sốt cao kéo dài, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, tiêu chảy. Một số trường hợp bị nhức đầu, đau đầu, mất ngủ, phát ban. Nếu không bù nước kịp thời, người bệnh mất nước, giảm huyết áp, tụt huyết áp, thậm chí tử vong. Vi khuẩn salmonella có thể tồn tại trong nước từ hai đến ba tuần, chỉ bị tiêu diệt ở 100oC và bởi chất sát khuẩn thông thường. Do đó, người bệnh có thể lây cho người khác ngay trong thời kỳ ủ bệnh, hoặc người khỏi bệnh mang vi khuẩn sau khi hết các triệu chứng lâm sàng.

Vụ bê bối an toàn thực phẩm của Ferrero bắt đầu xuất hiện từ ngày 2/4 vừa qua, khi giới chức Anh đưa ra cảnh báo sản phẩm trứng chocolate Kinder Surprise của hãng bánh kẹo nói trên “có thể liên quan hàng loạt ca nhiễm khuẩn salmonella” tại nước này. Một quan chức Anh cho biết, số ca nhiễm khuẩn salmonella tại Anh đã lên đến 63 ca. Trong khi đó, Cơ quan y tế công cộng của Pháp cũng ghi nhận 21 ca, trong đó có 15 trường hợp đã ăn sản phẩm trứng Kinder Surprise tương tự. Theo các báo cáo, không có trường hợp tử vong nào được ghi nhận, nhưng nhiều trẻ em đã phải nhập viện điều trị và theo dõi.

Giới chức y tế Pháp khẳng định, điều tra cho thấy các ca nhiễm khuẩn salmonella được phát hiện tại Anh và Pháp vừa qua hầu hết có mối liên hệ với sản phẩm trứng Kinder Surprise được sản xuất ở nhà máy của Ferrero ở Arlon. Tập đoàn Ferrero sau đó đã buộc phải đóng cửa nhà máy nói trên và thu hồi các sản phẩm Kinder Surprise bày bán tại một số quốc gia châu Âu và thế giới. Ngoài ra, các sản phẩm chocolate khác của hãng như Kinder Schoko-Bons, Kinder Mini Eggs, Kinder Happy Moments... cũng bị thu hồi. Quyết định thu hồi sản phẩm của Ferrero được đưa ra trước thềm Lễ Phục sinh vào ngày 17/4. Đây là dịp mà nhiều người dân châu Âu thường mua trứng chocolate làm quà tặng bạn bè và người thân. 

Ngày 11/4, giới chức Bỉ đã tiến hành điều tra sự cố nhiễm khuẩn salmonella. Ferrero cho biết đang hợp tác với các cơ quan y tế quốc gia và châu Âu nhằm điều tra về vụ việc. Tập đoàn Ferrero sau đó đã thừa nhận những “sai lầm nội bộ” và gửi “lời xin lỗi chân thành” tới người tiêu dùng về sự cố trên. “Chúng tôi cực kỳ coi trọng vấn đề này. Chăm sóc người tiêu dùng là ưu tiên hàng đầu của công ty”, đại diện nhãn hàng cho biết. Cũng theo người này, “công đoạn chế biến liên quan bơ, sữa” có thể là nguyên nhân gây ô nhiễm cho hai sản phẩm trứng chocolate Kinder Surprise và một loại chocolate praline cỡ nhỏ. Giới chức y tế châu Âu cũng bày tỏ nghi ngờ nguyên nhân trứng chocolate Kinder Surprise nhiễm khuẩn salmonella là do nguồn sữa bị hỏng tại nhà máy sản xuất ở Bỉ. 

Dù Tập đoàn Ferrero và giới chức các quốc gia tại châu Âu cũng như trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã lập tức có những biện pháp nhằm ngăn chặn hậu quả, song vụ việc vừa qua một lần nữa cho thấy những lỗ hổng trong việc kiểm soát an toàn thực phẩm, đòi hỏi các nhà chức trách cần có những chính sách nghiêm ngặt hơn để tránh những sự cố đáng tiếc tương tự trong tương lai.