Tôn vinh thành tựu của nhà tự nhiên học

Ngày 20-5 vừa qua, nhà tự nhiên học người Anh Jane Goodall (trong ảnh) đã vinh dự được trao giải thưởng Templeton năm 2021. Đây là phần thưởng danh giá, tôn vinh thành tựu trọn đời cống hiến cho nhân loại của bà Goodall, đặc biệt là các công trình nghiên cứu về trí thông minh trong thế giới động vật.

Ảnh: THE STANDARD
Ảnh: THE STANDARD

Giải Templeton được John Templeton (96 tuổi), nhà đầu tư kiệt xuất người Mỹ thành lập năm 1973. Từ đó tới nay, giải Templeton đã trở thành giải thưởng uy tín quốc tế được trao hằng năm, vinh danh những cá nhân có đóng góp đặc biệt trong việc truyền cảm hứng về tinh thần hoặc đem lại thành tựu khoa học quan trọng cho nhân loại. Trước đây, nhiều người đoạt giải Templeton là những danh nhân văn hóa, mang trí tuệ và tâm hồn vĩ đại, như Mẹ Teresa, hay các nhà khoa học nổi tiếng như Alister Hardy - nhà sinh vật học biển người Anh và nhà vật lý kiêm thiên văn học người Brazil, Marcelo Gleiser… Mỗi người chiến thắng sẽ nhận được hơn 1,5 triệu USD, không chỉ giá trị hơn giải Nobel mà còn là một trong những giải thưởng cá nhân lớn nhất thế giới. 

Người chiến thắng giải Templeton năm nay là bà Jane Goodall (87 tuổi),  một nhà tự nhiên học nổi tiếng thế giới với những nghiên cứu đột phá về tinh tinh ở Tanzania từ những năm 60 của thế kỷ trước. Tổ chức của bà lập ra là Viện Jane Goodall, hiện phối hợp với các cộng đồng địa phương nhằm bảo đảm môi trường sống an toàn cho các loài linh trưởng, như tinh tinh và khỉ đột. Đồng thời, chương trình “Roots & Shoots” do Viện Jane Goodall tổ chức để giáo dục giới trẻ bảo vệ thiên nhiên đã mở rộng tới 67 quốc gia. Trả lời phỏng vấn tờ The Guardian (Anh), bà Goodall bày tỏ vinh dự khi nhận giải thưởng này và “số tiền thưởng sẽ tạo ra sự khác biệt không nhỏ cho các chương trình hoạt động của chúng tôi trên toàn thế giới”.

Bà Heather Templeton Dill, Chủ tịch Quỹ John Templeton Foundation đánh giá cao thành tựu của bà Goodall: “Thành tựu của bà vượt ra ngoài các thông số truyền thống của nghiên cứu khoa học. Nó xác định nhận thức của chúng ta về ý nghĩa việc tiến hóa của con người. Những khám phá của bà Goodall cũng làm thay đổi sâu sắc quan điểm của thế giới về trí thông minh của động vật, đồng thời làm phong phú thêm hiểu biết của chúng ta”. Mặc dù không thể di chuyển trong nhiều tháng vì đại dịch Covid-19, nhưng bà Goodall cho biết, quãng thời gian vừa qua là “bận rộn nhất” trong suốt cuộc đời bà. Bà Goodall tích cực tham dự các hội nghị, giảng bài và điều hành công việc trực tuyến. “Mặc dù làm việc trực tuyến tù túng hơn là đi công tác trực tiếp. Nhưng xét ở khía cạnh tích cực, tôi có thể tiếp cận được hàng triệu người ở nhiều quốc gia hơn trước đây”, bà Goodall cho biết. 

Thông điệp chủ yếu mà bà Goodall chia sẻ tập trung vào ba vấn đề lớn trong cuộc sống con người ngày nay. Trước hết, con người cần phải giảm bớt lối sống không bền vững của chính mình. Bà Goodall cho rằng, con người hiện có nhiều hơn những gì thật sự cần và nhiều người quan niệm sai lầm rằng có thể phát triển kinh tế không giới hạn trên một hành tinh có nguồn tài nguyên thiên nhiên hữu hạn, đặc biệt khi dân số ngày càng tăng của con người và động vật. Ngoài ra, bà cũng cho rằng nhân loại cần phải vượt qua đói nghèo. “Khi mọi người đang sống trong cảnh nghèo đói khủng khiếp, họ buộc phải phá hủy môi trường, như phá rừng khai hoang để trồng lương thực hay đánh bắt cạn kiệt nguồn thủy sản… để nuôi sống gia đình. Rơi vào cái nghèo, con người không thể quan tâm liệu những điều này có gây hại cho môi trường không”, bà Goodall phân tích.

Cuối cùng, nhà tự nhiên học người Anh cho rằng cần phải tìm ra giải pháp phát triển dân số bền vững, không chỉ con người mà cả động vật: “Chúng ta cần nhận thức được rằng hàng tỷ người trên hành tinh đang sử dụng tài nguyên thiên nhiên nhiều hơn mức tự nhiên có thể hồi phục lại. Vào năm 2050, ước tính dân số thế giới sẽ vào khoảng gần 10 tỷ. Vậy điều gì sẽ xảy ra? Chúng ta phải suy nghĩ về viễn cảnh này?”.