Tình trạng “khát” sữa bột tại Mỹ

Ủy ban Giám sát Hạ viện Mỹ mới đây cho biết, có kế hoạch mở cuộc điều tra đối với bốn nhà sản xuất sữa công thức hàng đầu ở nước này. Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh các gia đình nuôi con nhỏ tại Mỹ đang phải đối mặt tình trạng khan hiếm sữa bột cho trẻ em.

Nhiều loại sữa công thức dành cho trẻ em cháy hàng tại Mỹ. Ảnh: AP
Nhiều loại sữa công thức dành cho trẻ em cháy hàng tại Mỹ. Ảnh: AP

Ủy ban Giám sát Hạ viện Mỹ đã gửi thư đến bốn tập đoàn sản xuất sữa bột lớn của Mỹ, bao gồm Abbott Nutrition, Mead Johnson Nutrition, Nestlé USA và Perrigo. Nội dung các bức thư nêu rõ tình trạng khan hiếm sữa công thức đang tác động trực tiếp đến trẻ sơ sinh và sinh hoạt của các gia đình trên khắp nước Mỹ, đặc biệt là những gia đình có thu nhập thấp và từng đối mặt tình trạng bất bình đẳng về sức khỏe như mất an ninh lương thực. Ủy ban nói trên cũng cho biết, sẽ mở cuộc điều tra nhằm vào các nhà sản xuất sữa bột để xem xét giá bán sữa công thức cho trẻ em cùng nhiều vấn đề khác.

Theo CNN, khan hiếm sữa bột đang là vấn đề cấp bách tại Mỹ. Ước tính, trong tuần cuối cùng của tháng 4, khoảng 40% sản phẩm sữa bột trẻ em bán chạy nhất đã hết hàng tại hơn 11.000 cửa hàng trên cả nước Mỹ. Tại sáu bang Texas, Tennessee, North Dakota, South Dakota, Iowa và Missouri, hơn một nửa số sữa công thức cho trẻ nhỏ cũng đã cháy hàng. Các chuỗi bán lẻ lớn như Walgreens hay CVS Health đã phải giới hạn số lượng sản phẩm mà khách hàng có thể mua để duy trì nguồn cung, trong bối cảnh người dân đổ xô mua tích trữ sữa. Bên cạnh tình trạng khan hiếm, giá sữa công thức cho trẻ em cũng tăng chóng mặt. Theo đó, giá mặt hàng này đã tăng tới 18% trong năm 2021. 

Tình trạng khan hiếm sữa công thức tại Mỹ đã xuất hiện kể từ cuối năm 2021. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do đứt gãy chuỗi cung ứng bởi dịch Covid-19. Đại dịch đã làm gián đoạn về nguồn nhân công, vận chuyển và nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp sữa. Không chỉ vậy, trong thời gian người dân sử dụng sữa tích trữ trước đó vì lo ngại các hạn chế do đại dịch, nhiều nhà sản xuất đã cắt giảm sản xuất sữa. Song hiện tại, khi đại dịch đã bớt căng thẳng, nhiều em bé ra đời hơn và nhu cầu tăng trở lại, các cơ sở không thể sản xuất kịp nhu cầu đơn hàng mới.

Tình hình càng trở nên nghiêm trọng khi tháng 2 vừa qua, Abbott - một trong những nhà sản xuất sữa bột trẻ em hàng đầu ở Mỹ, đã thu hồi hàng loạt sản phẩm và đóng cửa nhà máy ở Michigan. Việc thu hồi diễn ra sau khi bốn trẻ sơ sinh phải nhập viện, trong đó hai trẻ đã tử vong, sau khi dùng sản phẩm của nhà sản xuất này. Ngoài ra, các chính sách thương mại cũng khiến tình trạng khan hiếm sữa tại Mỹ kéo dài. Theo The Wall Street Journal, quy định về sữa công thức của cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) rất nghiêm ngặt, khiến cho các sản phẩm nước ngoài đôi khi không thể xuất sang Mỹ vì không đáp ứng được các tiêu chuẩn của FDA.

Trước tình hình đó, không ít người dân đã tìm cách tự pha chế sữa cho con tại nhà, dù vậy, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo việc này là hoàn toàn không nên. Bởi, sữa bột cho trẻ sơ sinh được sản xuất theo công thức và tỷ lệ chuẩn, được kiểm soát chặt chẽ nhằm bảo đảm các chất dinh dưỡng mà trẻ em cần cũng như có thể hấp thụ được. Trong khi đó, các loại sữa tự chế tại nhà không bảo đảm liều lượng các thành phần quan trọng, đặc biệt là protein và khoáng chất. Quá trình tự chế sữa tại nhà cũng có thể không bảo đảm vệ sinh, khiến nhiều loại vi khuẩn thâm nhập vào cơ thể trẻ. Việc này rất nguy hiểm với trẻ dưới sáu tháng tuổi, bởi đây là độ tuổi mà hệ miễn dịch chưa phát triển.

Nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm sữa, Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây đã có cuộc gặp với Tổng Giám đốc điều hành của các nhà sản xuất sữa bột và nhà bán lẻ, yêu cầu họ phải làm tất cả những gì có thể để giải quyết tình hình. Người đứng đầu Hội đồng Kinh tế quốc gia tại Nhà trắng, ông Brian Deese cho biết, trong những tuần qua, một số nhà sản xuất sữa bột đã tăng sản lượng trong khi nhà chức trách cũng đang tìm giải pháp để sữa bột nhanh chóng được đưa ra thị trường.

Dù vậy, tình trạng khan hiếm sữa trẻ em tại Mỹ được dự báo sẽ còn kéo dài đến cuối năm nay. Do đó, các bậc phụ huynh tại Mỹ được khuyến khích nên từng bước giúp con mình chuyển sang các loại sữa cùng công thức vẫn còn có trên thị trường nhằm giải quyết vấn đề trước mắt.