“Quả bom dữ liệu” Pandora

Ngày 3/10 vừa qua, Hiệp hội Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đã công bố Hồ sơ Pandora (Pandora Papers), tên gọi khối dữ liệu bao gồm 11,9 triệu tệp thông tin tài chính.

Ca sĩ Shakira, siêu sao cricket Sachin Tendulkar và siêu mẫu Claudia Schiffer (trái sang) bị liệt kê trong Hồ sơ Pandora. Ảnh: ICIJ
Ca sĩ Shakira, siêu sao cricket Sachin Tendulkar và siêu mẫu Claudia Schiffer (trái sang) bị liệt kê trong Hồ sơ Pandora. Ảnh: ICIJ

Đây được coi là kho dữ liệu bị rò rỉ lớn nhất trong lịch sử, công khai rất nhiều giao dịch bí mật cũng như tài sản ẩn danh của giới siêu giàu và quyền lực trên thế giới, đồng thời phơi bày sự mất cân bằng trong cách thức vận hành giữa hệ thống chính trị và kinh tế trong thế kỷ 21.

Trong hai năm, hơn 600 nhà báo từ 150 hãng truyền thông danh tiếng, bao gồm The Washington Post (Mỹ), The Guardian (Anh), Radio France (Pháp), Oštro Croatia (Croatia)… đã hợp tác điều tra. Sử dụng phương pháp kiểm tra chéo, họ làm việc không ngừng để sàng lọc 2,94 terabyte dữ liệu của Hồ sơ Pandora, rò rỉ từ 14 ngân hàng và tổ chức tài chính trên khắp thế giới. Kết quả điều tra tiết lộ, có tới 956 công ty nước ngoài tại các “thiên đường thuế” có liên hệ với 336 nhân vật quyền lực, tỷ phú, nghệ sĩ nổi tiếng của 91 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hơn hai phần ba trong số các công ty trên được thành lập ở quần đảo Virgin thuộc Anh, số còn lại trải dài từ Monaco, Thụy Sĩ cho tới Dubai (UAE)…

Theo nghiên cứu năm 2020 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), ít nhất 11,3 nghìn tỷ USD đang được giữ ở các công ty nước ngoài. Do tính phức tạp và bí mật của hệ thống này, chưa thể biết bao nhiêu trong đó là tiền trốn thuế, các hoạt động tội phạm hay nguồn thu bất hợp pháp khác. Mặc dù vậy, Hồ sơ Pandora đã hé lộ không chỉ danh tính chủ sở hữu thật sự của các công ty trên mà còn công bố những tài khoản ngân hàng ẩn danh, hay nhiều tài sản xa xỉ khác… Rất nhiều trong số đó là những nhân vật nổi tiếng, như siêu sao cricket Ấn Độ Sachin Tendulkar, diva nhạc pop Shakira, siêu mẫu Claudia Schiffer hay trùm mafia Italia Raffaele Amato… 

Ở hầu hết các quốc gia, việc có tài sản ở nước ngoài hoặc sử dụng các công ty con để kinh doanh xuyên quốc gia không phải là bất hợp pháp. Tuy nhiên, chính sách này thường bị giới siêu giàu lợi dụng để chuyển lợi nhuận từ các quốc gia có thuế cao sang các công ty chỉ tồn tại trên giấy tờ ở các khu vực đánh thuế thấp. Hồ sơ Pandora cho công chúng thấy các ngân hàng trên khắp thế giới đã giúp khách hàng giàu có của mình thành lập ít nhất 3.926 công ty con như vậy. 

Chỉ riêng tại quần đảo Virgin, có ít nhất 312 công ty con được “ông lớn” trong dịch vụ tài chính Mỹ là Morgan Stanley thành lập. Cuộc điều tra cũng chỉ đích danh Baker McKenzie, công ty luật lớn nhất nước Mỹ, góp phần tạo ra hệ thống công ty vỏ bọc hiện nay và trở thành “trụ cột” của hoạt động tài chính ngầm. Công ty này cũng đã thu được lợi nhuận khổng lồ khi cung cấp dịch vụ cho những nhân vật quyền lực nhưng có liên quan gian lận, tham nhũng. Đơn cử như tài phiệt người Ukraine Ihor Kolomoisky, người bị nhà chức trách Mỹ cáo buộc rửa tiền lên tới 5,5 tỷ USD thông qua một loạt các “bình phong” là nhà máy và bất động sản thương mại trên khắp nước này. 

Hồ sơ Pandora lập tức gây tiếng vang trước công chúng, trở thành động lực cho các nhà chức trách và những nhà hoạt động nhân quyền tiếp tục đấu tranh cho sự công bằng và ngăn chặn hoạt động gian lận, trốn thuế… “Người giàu có những phương thức để tích lũy tài sản và che giấu theo cách mà người bình thường không thể biết. Các công ty vỏ bọc và rửa tiền là mối đe dọa đối với an ninh, nền dân chủ. Trong 20 năm qua, các nhà lãnh đạo thế giới đã tuyên bố sẽ xóa sổ các thiên đường miễn thuế. Nhưng tới nay, hệ thống công ty nước ngoài, tội phạm tài chính xuyên quốc gia và trốn thuế vẫn tiếp tục phát triển mạnh. Bởi vậy, tôi và các nhà hoạt động xã hội khác sẽ tiếp tục làm việc để phơi bày sự giàu có “ẩn sâu” đó. Sự thật sẽ luôn lộ ra”, bà Mae Buenaventura, nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng người Phillipines khẳng định.