Nỗ lực chấm dứt xung đột tại Congo

Ngày 20/6 vừa qua, Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta cho biết, các nhà lãnh đạo Đông Phi đã nhất trí thành lập một lực lượng chung nhằm chấm dứt xung đột tại miền đông CHDC Congo, đồng thời kêu gọi các bên lập tức ngừng bắn. Đây được cho là động thái mới nhất của các nhà lãnh đạo trong khu vực nhằm hỗ trợ quốc gia nói trên.

Quân đội CHDC Congo tuần tra an ninh tại miền đông. Ảnh: AP
Quân đội CHDC Congo tuần tra an ninh tại miền đông. Ảnh: AP

Theo CNN, thông báo trên được đưa ra sau cuộc họp của Cộng đồng Đông Phi (EAC) tại Thủ đô Nairobi (Kenya) về tình hình an ninh ở miền đông Congo, sau khi bạo lực bùng phát tại khu vực này. Cuộc họp có sự tham dự của Tổng thống Congo Felix Tshisekedi, Tổng thống Rwanda Paul Kagame, Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta cùng với các nhà lãnh đạo của Burundi, Nam Sudan, Uganda và Đại sứ Tanzania tại Nairobi. 

“Cuộc khủng hoảng ở Congo cần có sự chung tay từ tất cả các thành viên khu vực của Cộng đồng Đông Phi”, Tổng thống Uganda Yoweri Museveni cho biết trên Twitter sau khi cuộc họp bắt đầu. Ông Museveni cũng nói thêm rằng, các quốc gia trong khu vực cần phải kiên quyết làm việc cùng nhau vì những người dân Congo, những người đã phải chịu đựng rất nhiều suốt thời gian qua.

Trong một tuyên bố, Tổng thống Kenya khẳng định, giới chức Đông Phi đã đề nghị hợp tác với những lực lượng quân sự và hành chính của Congo nhằm ổn định và bảo đảm hòa bình tại nước này. Theo tuyên bố, lãnh đạo Đông Phi cũng khẳng định, các bên đối địch nên lập tức thực thi một lệnh ngừng bắn cũng như chấm dứt các hành động thù địch.  

Theo CNN, hôm 15/6, Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta kêu gọi lập tức triển khai lực lượng quân sự trong khu vực tới CHDC Congo để cố gắng ngăn chặn quân nổi dậy. “Tôi kêu gọi kích hoạt Lực lượng khu vực Đông Phi, dưới sự bảo trợ của Cộng đồng Đông Phi”, Tổng thống Kenyatta nói. Bảy nước thuộc EAC mà Congo đã gia nhập trong năm nay hồi tháng 4 đã lên kế hoạch thành lập lực lượng vũ trang chung. Dù vậy, Tổng thống Congo cho biết, sẽ không chấp nhận sự tham gia của Rwanda vào chiến dịch này. Ông Tshisekedi cáo buộc Rwanda đang tìm cách “chiếm đất Congo để khai thác và kiếm lợi cho riêng họ”, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án quốc gia này.

CHDC Congo là quốc gia châu Phi giàu khoáng sản, dù vậy đang phải vật lộn để kiểm soát hàng chục nhóm vũ trang đang hoạt động ở miền đông nước này, trong đó có nhóm phiến quân M23 - một lực lượng với thành phần chủ yếu là người Tutsi. Giao tranh ác liệt ở miền đông Congo khiến căng thẳng trong quan hệ giữa nước này và Rwanda bùng phát trở lại hồi tháng trước. Bởi, giới chức Congo đổ lỗi Rwanda hậu thuẫn lực lượng M23. Tuy nhiên, Rwanda nhiều lần phủ nhận cáo buộc. 

Lời kêu gọi của ông Kenyatta được đưa ra trong bối cảnh tình hình an ninh ở miền đông CHDC Congo tiếp tục xấu đi trong thời gian qua. Không chỉ phiến quân M23, hoạt động của các nhóm vũ trang khác và các hành vi bạo lực giữa các cộng đồng cũng khiến an ninh tại khu vực này trở nên tồi tệ. Ba tỉnh Bắc Kivu, Nam Kivu và Ituri là những địa bàn có tình hình đáng lo ngại nhất. Lực lượng nổi dậy M23 đang thực hiện đợt tiến công lớn tại miền đông CHDC Congo, đã chiếm được một thị trấn có vị trí chiến lược trên biên giới chung giữa Congo và Uganda. Ngày 17/6 vừa qua, một vụ đấu súng ở khu vực biên giới giữa Congo và Rwanda đã xảy ra khiến một binh sĩ Congo thiệt mạng, hai cảnh sát Rwanda và một số dân thường bị thương.

Ngoài ra, thời gian qua, do tác động của bất ổn, khó khăn kinh tế - xã hội cũng như đại dịch Covid-19, tình hình nhân đạo tại các khu vực xung đột tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu đi. Thống kê của LHQ cho thấy, có tới 19,6 triệu người trên tổng số hơn 90 triệu dân Congo cần được hỗ trợ nhân đạo. CHDC Congo hiện là quốc gia có số lượng người dân bị buộc rời khỏi nơi cư trú cao nhất châu Phi, với hơn năm triệu người.