Nhiệm kỳ nhiều thách thức

Kết quả chính thức cuộc bầu cử Tổng thống Iran ngày 18-6 vừa qua cho thấy, Bộ trưởng Tư pháp Iran, ông Ebrahim Raisi (trong ảnh) đã giành chiến thắng và dự kiến nhậm chức vào đầu tháng 8 tới. Nhiệm kỳ bốn năm tới của ông Raisi được xem là sẽ đối mặt nhiều thách thức, cả về phục hồi kinh tế lẫn khó khăn đối ngoại.

Ảnh: AP
Ảnh: AP

AP dẫn kết quả được Bộ Nội vụ Iran công bố cho thấy, ông Raisi đã giành được tổng cộng 17,9 triệu phiếu trên tổng số 28,9 triệu phiếu bầu, tương đương gần 62%, vượt xa các đối thủ. Ba ứng cử viên còn lại cũng đã thừa nhận thất bại. Lãnh đạo nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã gửi lời chúc mừng ông Raisi đắc cử. Ông nhậm chức Tổng thống tiếp theo của Iran ở thời điểm quan trọng đối với đất nước, khi nền kinh tế đang tìm kiếm động lực tăng trưởng trong bối cảnh nước này đang chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ liên quan chương trình hạt nhân. 

Ông Raisi (60 tuổi) sinh ra và lớn lên ở phía đông bắc thành phố Mashhad, một trung tâm tôn giáo quan trọng của người Hồi giáo dòng Shi’ite. Theo Al Jazeera, ông theo học tại một trường dòng và là học trò của một số học giả Hồi giáo nổi tiếng của Iran. Ông chuyển đến Thủ đô Tehran vào năm 1985 và sau đó dần thăng chức trong hệ thống tư pháp. Vào năm 2017, ông Raisi từng tham gia tranh cử Tổng thống, nhận được 38% số phiếu bầu và về sau đương kim Tổng thống Hassan Rouhani.

Năm 2019, ông được bổ nhiệm làm Chánh án Tòa án Iran. Ở cương vị đó, ông Raisi đã xây dựng hình ảnh là một nhà lãnh đạo kiên quyết chống tham nhũng. Ông từng tổ chức những phiên tòa công khai, đưa nhiều nhân vật có tiếng tăm ra trước pháp luật. Để triển khai chiến dịch tranh cử Tổng thống, ông tới hầu như tất cả tỉnh, thành phố ở Iran. Trong những chuyến đi đó, ông đã kêu gọi được sự ủng hộ lớn từ cử tri nhờ các cam kết ủng hộ người lao động và doanh nghiệp địa phương. 

Trong cương lĩnh tranh cử, ông Raisi đã cam kết mạnh mẽ cải thiện nền kinh tế Iran vốn đang chật vật do các lệnh trừng phạt của Mỹ và đại dịch Covid-19. Kinh tế nước này đã rơi vào suy thoái nghiêm trọng, liên tiếp sụt giảm trong giai đoạn từ năm 2018 đến nay và không tránh được các triệu chứng “ốm yếu” như lạm phát tăng vọt, đồng nội tệ suy yếu, tỷ lệ thất nghiệp cao… trong khi sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu thô giảm mạnh. Cùng lúc, đại dịch khiến cho các vấn đề tồn tại như cơ sở hạ tầng lạc hậu và quản lý yếu kém lại càng bộc lộ rõ. Trong bối cảnh đó, cuộc bầu cử tổng thống được trông đợi sẽ thay đổi tình hkinh tế và đối ngoại của đất nước.

Mặc dù từng phản đối thỏa thuận hạt nhân với tên gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Iran ký kết với các cường quốc thế giới năm 2015, song ông Raisi cũng khẳng định sẽ duy trì thỏa thuận lịch sử này. Ông cho biết, sẽ xây dựng một chính phủ đủ mạnh để điều hành thỏa thuận đi đúng hướng. Các nhà quan sát nhận định, khả năng hồi sinh JCPOA vẫn chủ yếu dựa vào quyết định của lãnh tụ tối cao Iran, Ali Khamenei. Tuy nhiên, việc ông Raisi cam kết sẽ đi theo con đường đàm phán để khôi phục JCPOA có thể sẽ thay đổi cách tiếp cận đàm phán của Iran về thỏa thuận này. Hiện tại, tiến trình xây dựng lòng tin giữa Tehran với các đối tác của thỏa thuận vẫn còn nhiều khác biệt, vì vậy tương lai của JCPOA dưới thời Tổng thống đắc cử Raisi ra sao sẽ phụ thuộc đường hướng sắp tới do chính phủ mới của Iran đặt ra.

Cùng với đó, ông Raisi khẳng định ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối nội là khôi phục kinh tế, đưa Iran vượt qua những khó khăn hiện nay. Ông Raisi cũng đã cam kết xây dựng một “Iran mạnh mẽ”, vực dậy nền kinh tế và thắt chặt quan hệ thương mại với các láng giềng.

Ông Raisi dự kiến nhậm chức vào đầu tháng 8 sau khi Tổng thống Rouhani kết thúc nhiệm kỳ và chính phủ mới có thể sẽ ra mắt vào giữa tháng. Với những thay đổi trên chính trường, người dân Iran đang trông chờ những cải cách tích cực giúp vực dậy nền kinh tế đất nước vốn đang chịu nhiều sức ép.