Nghi vấn né thuế của giới “siêu giàu” Mỹ

Ngày 8-6 vừa qua, trang tin ProPublica (Mỹ) đã công bố lượng lớn thông tin được cho là thuộc cơ sở dữ liệu của Sở Thuế vụ (IRS) nước này, hé lộ cách thức để giới “siêu giàu” Mỹ trả thuế ít hơn, thậm chí không đáng kể trong nhiều năm. Vụ việc đã gây rúng động dư luận và đặt dấu hỏi về việc bảo đảm tính công bằng trong hệ thống thuế của “xứ cờ hoa”.

Jeff Bezos, Michael Bloomberg và Elon Musk (trái sang) có tên trong danh sách của ProPublica. Ảnh: MEBERE
Jeff Bezos, Michael Bloomberg và Elon Musk (trái sang) có tên trong danh sách của ProPublica. Ảnh: MEBERE

Ba nhà báo Jesse Eisinger, Jeff Ernsthausen và Paul Kiel của ProPublica đã đăng tải nhiều thông tin về các tờ khai thuế của hàng nghìn người giàu nhất nước Mỹ trong hơn 15 năm. Ngoài ra, còn có dữ liệu về thu nhập, các khoản đầu tư, giao dịch cổ phiếu và thậm chí cả kết quả kiểm toán… cung cấp góc nhìn chưa từng có về hoạt động tài chính và cách thức “né thuế” của giới siêu giàu. Những tỷ phú hàng đầu như Jeff Bezos, Elon Musk, Warren Buffet, Michael Bloomberg hay George Soros… đều được liệt kê trong danh sách nói trên trong nhiều năm.

Theo ProPublica, sự giàu có của họ bắt nguồn từ việc giá trị tài sản tăng vọt nhờ cổ phiếu và các loại tài sản khác. Những khoản thu nhập đó không được luật pháp Mỹ định nghĩa là thu nhập chịu thuế, trừ khi các tỷ phú này bán đi. Thuế thu nhập của các tỷ phú cũng ở mức thấp do họ không cần được trả lương. Mark Zuckerberg - “ông chủ” mạng xã hội Facebook, Larry Ellison của Tập đoàn Oracle và Larry Page của Tập đoàn Google đều chỉ nhận mức lương 1 USD. Vậy làm cách nào để các tỷ phú sử dụng tiền để duy trì hoạt động của công ty khi mức lương chỉ 1 USD và không bán cổ phiếu hay tài sản khác? 

Theo các tài liệu công khai và phân tích của những chuyên gia kinh tế, câu trả lời nằm ở việc vay thế chấp. Đối với giới siêu giàu, đây có thể là một cách để tiếp cận hàng tỷ USD mà không phải nộp thuế, do các khoản vay phải được trả lại kèm theo lãi suất nên IRS không coi đó là thu nhập. Dù các khoản vay không được tiết lộ cho IRS, nhưng chúng vẫn được phát hiện thông qua hồ sơ chứng khoán. Chẳng hạn, tỷ phú Elon Musk của Tập đoàn Tesla đã cầm cố khoảng 92 triệu cổ phiếu, trị giá khoảng 57,7 tỷ USD vào ngày 29-5-2021, làm tài sản thế chấp cho các khoản vay cá nhân. 

ProPublica đã thực hiện một phép so sánh mức thuế của 25 người Mỹ giàu nhất phải trả mỗi năm với mức độ gia tăng tài sản của họ trong cùng khoảng thời gian. Kết quả là 25 người giàu nhất nước Mỹ đã tăng ​​giá trị tài sản lên 401 tỷ USD trong giai đoạn 2014 - 2018, nhưng họ chỉ phải trả tổng cộng 13,6 tỷ USD thuế thu nhập trong 5 năm, tương đương thuế suất thực tế chỉ là 3,4%, con số quá nhỏ so khối tài sản khổng lồ. Theo Forbes, khối tài sản của tỷ phú Warren Buffet đã tăng 24,3 tỷ USD từ năm 2014 đến năm 2018 và ông đã trả 23,7 triệu USD tiền thuế. Tuy nhiên, thuế suất thực tế tính ra chỉ là 0,1%, tương đương mỗi 100 USD thu nhập thì Buffet chỉ phải trả 10 cent tiền thuế. Việc “né thuế” của tỷ phú Jeff Bezos thậm chí còn nổi bật hơn, nhất là giai đoạn 2006 - 2018. Theo Forbes, tài sản của Bezos tăng thêm 127 tỷ USD, nhưng tổng thu nhập chỉ là 6,5 tỷ USD. Như vậy, vị tỷ phú này phải bỏ ra 1,4 tỷ USD tiền thuế tương đương mức thuế suất thực tế là 1,1% - con số cực nhỏ so mức gia tăng tài sản hằng năm của nhà sáng lập Tập đoàn bán lẻ Amazon. 

Phân tích của ProPublica khiến dư luận hoài nghi về nền tảng vốn nổi tiếng chặt chẽ của hệ thống thuế Mỹ. Đó là tiêu chí công bằng khi mọi người đều trả thuế dựa trên thu nhập của họ và 25 người Mỹ giàu nhất sẽ phải trả những khoản thuế nhiều nhất. Cụ thể vào cuối năm 2018, các công ty của họ được định giá trị 1,1 nghìn tỷ USD, tương đương khối tài sản của 14,3 triệu người Mỹ làm công ăn lương gộp lại. Hóa đơn thuế cá nhân của 25 người hàng đầu vào năm 2018 là 1,9 tỷ USD, nhưng hóa đơn thu thuế của những người làm công ăn lương lại lên tới 143 tỷ USD. 

Trả lời phỏng vấn Đài phát thanh NPR (Mỹ), nhà báo Jesse Eisinger khẳng định: “Một nhóm những cá nhân siêu giàu đã không đóng góp thuế một cách công bằng. Đây không phải là vấn đề trốn thuế mà là “né thuế” theo quy định hợp pháp. Hơn nữa, nó đặt ra yêu cầu xem xét lại cả một hệ thống thuế”.