Ngăn chặn tình trạng vi phạm quyền trẻ em

Năm 2020, hơn 8.500 trẻ em đã bị ép đi lính trong nhiều cuộc xung đột trên khắp thế giới và gần 2.700 em đã thiệt mạng. Đó chỉ là hai trong số nhiều thống kê đau lòng từ Báo cáo về trẻ em và xung đột vũ trang (CAAC), do Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres (trong ảnh) đọc trước Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ hôm 21-6 vừa qua.

Ảnh: NATIONAL HERALD
Ảnh: NATIONAL HERALD

Báo cáo hằng năm LHQ về trẻ em và xung đột vũ trang phản ánh việc sát hại, xâm hại tình dục và lạm dụng lao động trẻ em, bắt cóc hoặc ép buộc trẻ em nhập ngũ, ngăn cản các em tiếp cận viện trợ hay các hành động bạo lực nhắm vào trường học, bệnh viện. Trong báo cáo lần này, những vụ vi phạm nói trên đã xảy ra đối với 19.379 trẻ em trong 21 cuộc xung đột trong năm 2020. Nơi ghi nhận nhiều nhất các vi phạm này là ở Somalia, CHDC Congo, Afghanistan, Syria và Yemen.

Cụ thể, đã có 8.521 trẻ em bị ép nhập ngũ, 2.674 trẻ em thiệt mạng và 5.748 em khác bị thương trong các cuộc xung đột. Những thống kê cho thấy, các vụ vi phạm nghiêm trọng đối với trẻ em trong xung đột vũ trang vẫn ở mức cao đáng báo động. Cùng với đó, các cuộc tiến công vào trường học và bệnh viện cũng gia tăng vào năm 2020, đặc biệt là những cuộc tiến công nghiêm trọng nhằm vào cơ sở giáo dục của trẻ em gái, tàn phá các cơ sở y tế khiến nhiều bác sĩ, nhân viên y tế bị sát hại hoặc bị thương. Tại Afghanistan, đã có tổng cộng 152 cuộc tiến công vào trường học, bệnh viện do lực lượng phiến quân Taliban, tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) và một số nhóm vũ trang khác gây ra. Các nhóm vũ trang còn tăng cường trưng dụng nhiều trường học và bệnh viện, đặc biệt là việc các cơ sở bị đóng cửa trong thời gian giãn cách xã hội vì dịch Covid-19 làm căn cứ đóng quân, khiến chúng trở thành mục tiêu của các cuộc giao tranh. Tại Congo, đã có 5 trường học bị các lực lượng vũ trang ở Bắc Kivu và Tanganyika trưng dụng làm căn cứ cho các hoạt động quân sự trong bốn tháng, sau đó những nơi này bị tàn phá.

Trong năm 2020, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã làm gia tăng khả năng bị bắt cóc, bóc lột lao động và xâm hại tình dục trẻ em. Ở Somalia, hơn 400 trẻ em, trong đó hầu hết là bé gái, bị xâm hại bởi các nhóm vũ trang như lực lượng Jubaland, Puntland hay nhóm Hồi giáo cực đoan Al-Shabaab... “Đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng vốn dễ tổn thương của trẻ em, bao gồm việc cản trở các em tiếp cận với các dịch vụ giáo dục, y tế và xã hội, hạn chế các hoạt động bảo vệ trẻ em và thu hẹp không gian an toàn”, ông Guterres cho biết thêm. Chỉ tính riêng tại Yemen, phiến quân Houthis và một số lực lượng quân sự khác đã cản trở hàng nghìn trẻ em được tiếp cận nhân đạo. Các tổ chức này thường tiến công đoàn cứu trợ nhân đạo hoặc hạn chế ra, vào ở một số khu vực như thành phố Amanat Al Asimah, Sa‘dah, Aden và Hudaydah.

Trước tình hình đó, Tổng Thư ký LHQ đã kêu gọi sự tham gia của cộng đồng quốc tế nhằm thực hiện các kế hoạch hành động chung bảo vệ trẻ em trong giao tranh vũ trang. LHQ cũng bảo đảm rằng các điều khoản về bảo vệ trẻ em được đưa vào tất cả các nhiệm vụ liên quan hoạt động gìn giữ hòa bình. Ông Guterres nhấn mạnh, tất cả các bên cần tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo luật nhân đạo quốc tế, luật nhân quyền quốc tế và luật tỵ nạn quốc tế, chấm dứt lập tức những hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em. 

Bên cạnh đó, người đứng đầu LHQ cũng yêu cầu các bên phải kiềm chế việc quân đội tiến công hoặc trưng dụng trường học, bệnh viện và thực hiện một lệnh ngừng bắn trên phạm vi toàn cầu. Ngoài ra, việc tạo điều kiện thuận lợi để cứu trợ nhân đạo tiếp cận an toàn, kịp thời cho trẻ em, song song bảo đảm an toàn cho các nhân viên cứu trợ và tài sản nhân đạo cũng là những mục tiêu LHQ hướng tới nhằm hạn chế tổn thương cho trẻ em tại các khu vực xung đột.