Mối đe dọa sức khỏe mới

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), kể từ đầu tháng 5, hàng loạt quốc gia tại châu Âu, Mỹ đã ghi nhận các ca bệnh đậu mùa khỉ. Đây là những khu vực thường không ghi nhận bệnh này. Trước tình hình đó, nhiều nước đã kêu gọi người dân cần cảnh giác trước nguy cơ lây lan diện rộng căn bệnh nói trên.

Các nhà khoa học đang tìm nguyên nhân lây lan căn bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: REUTERS
Các nhà khoa học đang tìm nguyên nhân lây lan căn bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: REUTERS

Theo AP, tính đến ngày 21/5, ít nhất hơn 90 ca bệnh đậu mùa khỉ đã được ghi nhận tại các nước châu Âu như Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italy… Mỹ, Canada. Israel, Thụy Sĩ và Áo là những quốc gia mới nhất ghi nhận bệnh đậu mùa khỉ, nâng tổng số nước xuất hiện căn bệnh này trong đợt bùng dịch mới nhất lên con số 15.

Việc virus đậu mùa khỉ lây lan trong cộng đồng tại các quốc gia nói trên được cho là bất thường. Bởi trước đây, các trường hợp mắc đậu mùa khỉ chỉ được báo cáo ở những người có yếu tố dịch tễ rõ ràng, tức có mối liên hệ với Trung và Tây Phi - nơi dịch này thường xuất hiện. Nhưng trong tuần qua, các ca bệnh chủ yếu được báo cáo ở nam thanh niên trước đây chưa từng đi du lịch châu Phi.

Các chuyên gia WHO cho biết, đậu mùa khỉ là căn bệnh tương tự bệnh đậu mùa ở người. Bệnh xuất hiện khi con người tiếp xúc với loài khỉ. Các triệu chứng ban đầu bao gồm sốt, nhức đầu, đau cơ, đau lưng, nổi mụn phồng, ớn lạnh và kiệt sức. Mụn thường nổi trên mặt trước khi lan sang những nơi khác của cơ thể. Hầu hết bệnh nhân đều trải qua các triệu chứng nhẹ và thường khỏe lại sau 2-4 tuần. Tỷ lệ tử vong của đậu mùa khỉ vào khoảng 1%. Hiện, chưa có vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ nhưng các dữ liệu y tế cho thấy, vaccine phòng bệnh đậu mùa thông thường cũng có hiệu quả phòng bệnh đậu mùa khỉ. Dù vậy, bệnh đậu mùa ở người đã chính thức được nhân loại khai trừ vào năm 1977 và từ năm 1980, WHO đã khuyến cáo ngừng tiêm chủng đậu mùa.

Sau những ca bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện thời gian gần đây, WHO dự báo sẽ có thêm nhiều ca nữa xuất hiện. Giới chuyên gia đang giải trình tự gene của các ca nhiễm để tìm hiểu nguồn gốc của virus, từ đó tìm ra nguyên nhân bùng phát các ca bệnh này. “Rất có thể hoàn cảnh hiện nay trên toàn cầu đã khiến virus lây lan nhanh hơn”, TS Charlotte Hammer, chuyên gia về các bệnh mới nổi của Trường đại học Cambridge (Anh) nhận định.

Trong buổi họp báo tại căn cứ không quân Osan (Hàn Quốc) hôm 22/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden lần đầu lên tiếng về tình hình lây lan bệnh đậu mùa khỉ thời gian qua. Cụ thể, ông Biden cho biết: Chúng tôi đang lo ngại rằng, căn bệnh này nếu lây lan sẽ gây ra hậu quả đáng kể. Chúng tôi đang nỗ lực để xác định những gì cần làm và sử dụng loại vaccine nào để điều trị bệnh.

Trong khi đó, Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà trắng, ông Jake Sullivan tiết lộ, Mỹ có nguồn cung vaccine có thể hiệu quả đối với bệnh đậu mùa khỉ. Theo đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) có hai loại vaccine đậu mùa được cấp phép là Imvamune và Imvanex. Kết quả nghiên cứu cho thấy hai dòng vaccine này có hiệu quả ít nhất 85% trong việc ngăn ngừa virus gây đậu mùa khỉ. Chính phủ Mỹ cho biết, có đủ vaccine trong Kho dự trữ chiến lược quốc gia (SNS) để tiêm phòng cho toàn bộ dân số Mỹ. Ngoài Mỹ, Anh cũng bắt đầu tiêm chủng vaccine đậu mùa cho những nhân viên y tế có nguy cơ trong lúc chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Bên cạnh việc tiêm chủng, giới chức y tế thế giới khuyến cáo người dân nên tránh tiếp xúc gần với người có dấu hiệu bị đậu mùa khỉ hoặc đang bị ốm. Người nghi ngờ đang mắc bệnh này nên cách ly và tìm kiếm sự hỗ trợ từ cơ quan y tế địa phương gần nhất.