Mối đe dọa luôn hiện hữu

Một vụ tiến công bằng cung tên đã khiến năm người thiệt mạng và ba người khác bị thương nặng tại thị trấn Kongsberg nằm ở phía đông nam của Na Uy hôm 13/10. Vụ việc đã làm dậy sóng quốc gia Bắc Âu, nơi rất hiếm xảy ra các vụ giết người hàng loạt, đồng thời gióng lên hồi chuông báo động về bất ổn an ninh dịp cuối năm tại châu Âu.

Cảnh sát tại hiện trường một vụ tiến công tại Na Uy. Ảnh: FRANCE 24
Cảnh sát tại hiện trường một vụ tiến công tại Na Uy. Ảnh: FRANCE 24

Theo AFP, Cơ quan An ninh nội địa của Na Uy (PST) cho biết, vụ tiến công “có dấu hiệu là một hành động khủng bố” song sẽ tiếp tục điều tra để làm sáng tỏ thêm động cơ. Cảnh sát cũng xác nhận nghi phạm bị cáo buộc đứng sau vụ việc tên là Espen Andersen Bråthen (37 tuổi), là một công dân Đan Mạch đã cải sang đạo Hồi. Lực lượng an ninh Na Uy cho biết, họ đã theo dõi nghi phạm từ năm 2020, do nghi ngờ đối tượng có liên quan chủ nghĩa cực đoan. Nghi phạm hiện bị giam giữ để phục vụ điều tra. 

Vụ việc diễn ra vào chiều tối 13/10, khi người dân địa phương nhìn thấy kẻ tiến công nhằm bắn vào nhiều người bằng cung tên tại các địa điểm khác nhau ở trung tâm thị trấn Kongsberg. Cảnh sát sau đó đã cảnh báo mọi người nên ở trong nhà. Cảnh sát trưởng của Kongsberg, ông Ole Bredrup Saeverud cho biết, lực lượng an ninh đã đến hiện trường vài phút sau khi trung tâm điều hành nhận được báo cáo đầu tiên và bắn súng cảnh cáo hung thủ, tuy nhiên y đã trốn thoát. Nghi phạm bị bắt sau khoảng 30 phút và đưa đến đồn cảnh sát ở gần đó. Trong số những người bị thương có một cảnh sát đang làm nhiệm vụ, được phát hiện trong một siêu thị và đây chỉ là một trong nhiều địa điểm nghi phạm nhắm vào. 

Ông Saeverud khẳng định, đây là tình huống an ninh đặc biệt nghiêm trọng ở địa phương. Kongsberg là một thị trấn nhỏ cách Thủ đô Oslo 80 km về phía tây nam, từng diễn ra các hoạt động khai thác mỏ sầm uất vào thế kỷ 17. Theo Euronews, thị trấn nhỏ này hiện là nơi đặt trụ sở của nhiều công ty quốc phòng và công nghệ ở Na Uy. Nhiều người dân vẫn chưa thể tin rằng vụ giết người hàng loạt vừa xảy ra tại đây. “Không ai có thể tưởng tượng một vụ việc như thế ở thị trấn nhỏ của chúng tôi”, một người địa phương cho biết. 

Thủ tướng mới của Na Uy, ông Jonas Gahr Stoere vừa nhậm chức hôm 14/10 đã lên án vụ tiến công là một hành động tàn bạo, cam kết chính phủ mới sẽ tập trung vào vụ việc trong ngày đầu tiên nhậm chức. Vụ việc đã gây chấn động quốc gia nằm trên bán đảo Scandinavia vốn yên bình và là vụ thảm sát tồi tệ nhất kể từ sau vụ tiến công kép ngày 22/7/2011, khi đối tượng cực đoan Anders Behring Breivik thực hiện đánh bom làm tám người tử vong, sau đó di chuyển đến xả súng tại một trại hè của thanh, thiếu niên khiến 69 người khác thiệt mạng. Na Uy vừa tưởng niệm 10 năm ngày xảy ra vụ tiến công của phần tử cực hữu Breivik vào tháng 7 vừa rồi.

Các vụ giết người hàng loạt hiếm khi xảy ra ở Na Uy do quốc gia này ghi nhận số lượng tội phạm rất thấp. Tuy nhiên, lực lượng an ninh nước này không loại trừ những vụ bạo lực và khủng bố cực đoan gây nguy hiểm và khó lường tại các môi trường vốn được cho là an toàn. Trong một tuyên bố, PST cho biết: “Các cuộc tiến công nhằm vào những người ngẫu nhiên ở nơi công cộng là một mô thức lặp đi lặp lại khi các phần tử Hồi giáo cực đoan thực hiện khủng bố ở phương Tây”. 

Cơ quan này đồng thời cảnh báo “kịch bản có thể xảy ra nhất” ở Na Uy là “một cuộc tiến công do một hoặc một số thủ phạm thực hiện với các loại vũ khí đơn giản, nhằm vào các mục tiêu nơi có ít hoặc không có biện pháp an ninh”. Không chỉ tại Na Uy, nhiều nước châu Âu đã chứng kiến các vụ khủng bố nghiêm trọng xảy ra giữa các hoạt động hằng ngày ở nơi công cộng hoặc trên đường phố, hay trong dịp lễ hội tập trung đông người, đặc biệt là các dịp lễ hội cuối năm và đón năm mới. Sự việc tại thị trấn Kongsberg cho thấy khủng bố, cực đoan vẫn luôn là mối đe dọa lớn nhất đối với “lục địa già”.