Khủng hoảng chính trị ở Tunisia

Tổng thống Tunisia, Kais Saied đã cách chức Thủ tướng Hichem Mechichi, đình chỉ hoạt động của Quốc hội và tạm thời tước quyền miễn trừ của các nghị sĩ. Động thái bất ngờ này được cho là sẽ đẩy Tunisia vào bất ổn chính trị nghiêm trọng nhất trong gần một thập kỷ qua.

Ông Kais Saied. Ảnh: AP
Ông Kais Saied. Ảnh: AP

Quyết định của ông Kais Saied được đưa ra sau một cuộc họp khẩn cấp tại Phủ Tổng thống ngày 25/7 vừa qua. Trong tuyên bố được phát sóng trên truyền hình, Tổng thống Saied cho biết, sẽ tạm thời đảm đương quyền điều hành đất nước với sự hỗ trợ của một Thủ tướng mới do ông chỉ định. Sau đó, Tổng thống Saied cũng cách chức Bộ trưởng Quốc phòng Ibrahim Bartaji và quyền Bộ trưởng Tư pháp Hasna Ben Slimane của nước này.

Chỉ một ngày trước khi Tổng thống Tunisia đưa ra quyết định trên, hàng trăm người dân đã tổ chức các cuộc tuần hành trước trụ sở Quốc hội ở Thủ đô Tunis, hô to những câu khẩu hiệu phản đối đảng Ennahdha cầm quyền và Thủ tướng Mechichi. Nhiều thành phố khác như Gafsa, Kairouan, Monastir, Sousse và Tozeur cũng rơi vào cảnh tương tự, khi dòng người tuần hành liên tục nhằm phản đối các chính sách kinh tế, tài chính và các biện pháp đối phó đại dịch Covid-19 của chính phủ. 

Theo CNN, động thái của ông Saied bị lãnh đạo đảng đối lập cầm quyền Ennahda kiêm Chủ tịch Quốc hội Tunisia, ông Rached Ghannouchi cho là “một cuộc đảo chính phản cách mạng và Hiến pháp”. Trên mạng xã hội facebook, đảng này tuyên bố: “Các thành viên đảng Ennahdha cũng như người dân Tunisia sẽ bảo vệ cách mạng”. Trong khi đó, Tổng thống Saied cũng khẳng định quyết định của ông dựa trên Điều 80 của Hiến pháp, đồng thời trích dẫn một điều khoản tạm ngừng quyền miễn trừ đối với các nghị sĩ.

Ngay sau khi quyết định của Tổng thống Saied được công bố, nhiều cuộc đụng độ đã xảy ra trên đường phố giữa những người ủng hộ quyết định của ông cũng như phe đối lập. Trước tình hình đó, Tổng thống Tunisia đã kêu gọi người dân bình tĩnh, không nên tuần hành và cần đoàn kết dân tộc. “Chúng tôi yêu cầu người dân không nên đổ ra đường phố. Thứ nguy hiểm nhất mà đất nước và xã hội đang phải đối mặt chính là những cơn cuồng nộ từ bên trong, chiến tranh từ bên trong. Hôm nay, tôi thực thi trách nhiệm lịch sử. Những ai nói rằng, đây là cuộc đảo chính thì cần xem lại Hiến pháp”, ông Saied tuyên bố.

Theo Reuters, chia rẽ trên chính trường Tunisia nảy sinh bắt nguồn từ những bất đồng giữa Tổng thống Kais Saied và chính phủ của Thủ tướng Hichem Mechichi liên quan quá trình đàm phán khoản vay mới với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến nghiêm trọng ở quốc gia Bắc Phi này. Để làm dịu tình hình sau quyết định vừa qua của Tổng thống Saied, ông Mechichi mới đây tuyên bố sẵn sàng trao lại trách nhiệm điều hành chính phủ cho người kế nhiệm do Tổng thống chỉ định.

Dư luận quốc tế đã bày tỏ quan ngại về bất ổn chính trị ở Tunisia sau quyết định vừa qua của Tổng thống Saied. Người phát ngôn LHQ Farhan Haq cho biết, LHQ đang theo dõi sát tình hình Tunisia, kêu gọi các bên kiềm chế, giảm bạo lực và duy trì sự ổn định. “Chúng tôi hy vọng rằng, tình hình Tunisia sẽ ổn định trở lại. Chúng tôi đang theo dõi để xem liệu các bên liên quan có thể bảo đảm duy trì sự ổn định cho đất nước hay không. Tunisia là một khu vực không ổn định”.

Trong khi đó, Mỹ cũng bày tỏ quan ngại về cuộc khủng hoảng chính trường của Tunisia. Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi các bên duy trì đối thoại. Giới chức Pháp ngày 26/7 cũng đề nghị các phe đối lập ở Tunisia tôn trọng luật pháp và kiềm chế bạo lực. Trong một cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia và người đồng cấp Tunisia nhằm trao đổi tình hình về quốc gia Bắc Phi này, Riyadh nhấn mạnh sự quan tâm của Saudi Arabia đối với an ninh và sự ổn định của Tunisia, đồng thời cho biết, sẽ ủng hộ các giải pháp nhằm duy trì sự ổn định tại nước này.

Trong nhiều năm nay, chính trường Tunisia liên tiếp gặp sóng gió. Bất đồng chính trị đã khiến quốc gia này không thể thành lập được các chính phủ lâu dài và hiệu quả. Giới phân tích cho rằng, diễn biến mới nhất tại quốc gia Bắc Phi là thách thức nghiêm trọng nhất kể từ khi nước này áp dụng Hiến pháp 2014 phân chia quyền lực giữa Tổng thống, Thủ tướng và Quốc hội.