Hậu quả của bất bình đẳng vaccine

Theo hãng tin CNN của Mỹ, một số nhà khoa học thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây cho rằng, sự xuất hiện biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 là “hậu quả tự nhiên của việc thế giới tiêm chủng quá chậm”. Tình trạng phủ vaccine không đồng đều giữa các nước phát triển và đang phát triển được cho là tạo cơ hội để những biến chủng mới như Omicron ra đời.

Tỷ lệ tiêm chủng tại các nước châu Phi còn rất thấp so thế giới. Ảnh: THE GUARDIAN
Tỷ lệ tiêm chủng tại các nước châu Phi còn rất thấp so thế giới. Ảnh: THE GUARDIAN

Các nhà nghiên cứu lo ngại rằng, biến thể Omicron có thể đã xuất hiện ở phía nam sa mạc Sahara ở châu Phi, nơi vốn có tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 thấp. Việc các nước giàu trên thế giới tích trữ vaccine, thậm chí số liều vaccine mà những nước này có gấp vài lần dân số, trong khi chần chừ không thực hiện cam kết chia sẻ vaccine với các nước đang phát triển, khiến khoảng cách về vaccine ngày càng nới rộng. WHO cảnh báo hành động này có thể đang bắt đầu có tác động nghiêm trọng, cụ thể là việc xuất hiện biến thể Omicron được cho là có khả năng lây nhiễm cao hơn những biến thể trước đó. 

Biến thể Omicron lần đầu được báo cáo với WHO là từ Nam Phi vào ngày 24/11, với tên gọi là B.1.1.529. Ngày 26/11, WHO đã xác định đây là biến thể đáng quan ngại. Theo các nhà khoa học, biến thể Omicron có 32 đột biến trong protein gai-công cụ giúp virus bám dính và xâm nhập tế bào của người, dẫn đến nguy cơ nó có khả năng thoát khỏi hệ miễn dịch và lây lan nhanh hơn. Protein gai cũng là thành phần mà các loại vaccine ngừa Covid-19 nhắm tới để ngăn chặn virus. Biến chủng này được cho là nguyên nhân khiến số ca nhiễm hằng ngày tại Nam Phi tăng hơn 10 lần trong chưa đầy một tháng. 

Hiện chưa rõ biến thể này chính xác bắt nguồn từ khu vực nào ở Nam Phi. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng, nhiều khả năng virus đã biến đổi ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp và có mức độ lây nhiễm cao. Theo họ, biến thể này có thể đã xuất hiện ở một khu vực khác và sau đó được phát hiện ở Nam Phi. 

Ông Michael Head, nhà nghiên cứu cao cấp về y tế toàn cầu tại Đại học Southampton (Anh) nhận định đây có thể là hậu quả của một đợt bùng phát dịch, có khả năng đã xảy ra ở một số khu vực thuộc phía nam sa mạc Sahara, nơi ít có hoạt động giám sát bộ gene của virus và tỷ lệ tiêm chủng thấp. Theo ông Head, sự xuất hiện của các biến thể mới là “hậu quả tự nhiên của việc thế giới tiêm chủng quá chậm”.

Giám đốc Quỹ từ thiện Wellcome Trust (Anh) chuyên nghiên cứu y tế Jeremy Farrar cho rằng, sự xuất hiện của biến thể mới cho thấy tại sao thế giới cần bảo đảm khả năng tiếp cận công bằng hơn đối với vaccine ngừa Covid-19 và các công cụ y tế công cộng khác.

Tuy nhiên, vaccine giờ đây vẫn không hề dễ tiếp cận đối với đông đảo người dân các nước đang phát triển trên thế giới. Theo số liệu từ Our World in Data-dự án thuộc Đại học Oxford của Anh, mới chỉ 7% dân số châu Phi được tiêm chủng đầy đủ, trong khi tỷ lệ toàn cầu là 42%. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ tại châu Âu và Mỹ lần lượt là 67% và 58%, tương phản hoàn toàn với Nigeria-quốc gia đông dân nhất châu Phi, nơi mới chỉ tiêm đầy đủ cho 1,7% trong số 206 triệu dân. Ethiopia, nước đông dân thứ hai châu Phi, mới đạt tỷ lệ 1,2%. 

Đến nay, cơ chế chia sẻ công bằng vaccine toàn cầu (COVAX), nhằm thúc đẩy bình đẳng tiêm chủng và đưa vaccine đến các quốc gia thu nhập thấp, mới chuyển được gần 545 triệu liều, tương đương một phần ba kế hoạch đề ra. Cơ chế do Liên minh vaccine toàn cầu (GAVI) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thúc đẩy này dự kiến đến hết năm 2021 sẽ phân phối hai tỷ liều vaccine. 

Thế nhưng, theo thống kê được GAVI công bố gần đây, những nước nghèo nhất thế giới là Chad, Congo, Haiti, Nam Sudan và Yemen vẫn chưa có đủ vaccine cho 2% dân số của mình. Trong số 1,4 tỷ liều bổ sung mà các nước giàu cam kết tài trợ cho nước nghèo, mới chỉ có hơn 355 triệu liều được cung cấp cho COVAX.