Giải pháp hỗ trợ phụ nữ nông dân Tây Phi

Tại các quốc gia chậm phát triển ở Tây Phi, người phụ nữ vùng nông thôn luôn nằm trong số những đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất. Thấu hiểu thực tế này, bà Mariama Sonko (53 tuổi), từ một phụ nữ nông dân đã trở thành người sáng lập phong trào “Nous sommes la solution” (tạm dịch “Chúng tôi là giải pháp”) ở Senegal. 

Nhiều phụ nữ nông dân Tây Phi được hưởng lợi từ phong trào NSS. Ảnh: NSS
Nhiều phụ nữ nông dân Tây Phi được hưởng lợi từ phong trào NSS. Ảnh: NSS

Theo CNN, “Nous sommes la solution” (NSS) là phong trào thúc đẩy nông nghiệp bền vững và hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ, phát triển rộng khắp không chỉ ở Senegal mà còn tại nhiều nước Tây Phi như Burkina Faso, Mali, Ghana, Guinea… 

Ra đời năm 2011, phong trào NSS của bà Mariama đã đấu tranh không mệt mỏi cho quyền sở hữu đất nông nghiệp và sinh kế tự lập cho nhiều phụ nữ địa phương. Tới năm 2014, nhóm của bà Mariama đã có hơn 500 hiệp hội phụ nữ nông thôn ở Senegal, Ghana, Burkina Faso, Gambia, Guinea-Bissau, Guinea và Mali. Nhờ đó, tổ chức đã xây dựng mạng lưới hỗ trợ dân sinh rộng khắp, và đưa ra giải pháp cho nhiều thách thức mà phụ nữ Tây Phi đang phải đối mặt, như kêu gọi phụ nữ tham gia nhiều hơn vào bộ máy chính quyền, bảo đảm quyền tự do hôn nhân và sinh đẻ cũng như chấm dứt nhiều hủ tục...

Sau hàng thập kỷ chiến tranh kéo dài, chứng kiến quê hương Casamance bị tàn phá và người chồng qua đời trong xung đột, bà Mariama có động lực mạnh mẽ để thay đổi cuộc sống của người dân địa phương. Tại Senegal, trong khi các tập đoàn đa quốc gia lớn luôn tìm cách khai thác triệt để đất nông nghiệp thì những người lao động nghèo, đặc biệt là phụ nữ không có đất trồng, hoặc chỉ biết tới những mô hình canh tác công nghiệp làm đất nhanh bạc màu. Do đó, phong trào NSS đã hướng dẫn cộng đồng hạn chế dùng các hóa chất, thuốc trừ sâu nhằm bảo tồn đất đai màu mỡ cho các thế hệ tương lai. Đồng thời, thông qua các cuộc hội thảo, diễn đàn và đài phát thanh, bà Mariama và NSS khuyến khích nông dân học cách canh tác truyền thống và bền vững, bảo tồn các loại hạt giống bản địa…

AFP cho biết, chỉ riêng tại Senegal, mạng lưới NSS bao gồm gần 10.000 phụ nữ trong hơn 100 hiệp hội địa phương trên khắp khu vực miền nam. “Mặc dù phong trào do phụ nữ khởi xướng, nhưng chúng tôi mở rộng cho cả nam giới hay bất kỳ người nào tin tưởng công việc của NSS. Hiện nay, chúng tôi đã tổ chức nhiều cánh đồng kiểu mẫu do phụ nữ điều hành và một cửa hàng nơi bán sản phẩm của chính họ làm ra. Phụ nữ cần được cung cấp đầy đủ thông tin, nhận thức về các vấn đề liên quan nông nghiệp. Bởi vậy, họ có quyền tham gia trong các hội thảo địa phương, quốc gia và quốc tế về nông nghiệp”, bà Mariama phân tích. 

NSS đã đạt được rất nhiều thành tựu đáng tự hào, đơn cử như việc lan tỏa mô hình sản xuất phân bón tự nhiên từ chất thải chăn nuôi, không chỉ hiệu quả trên cánh đồng mà còn trở thành sản phẩm tăng thu nhập cho nhiều phụ nữ. Ngoài ra, nhóm này cũng tham gia vào việc phát triển một sản phẩm gia vị hoàn toàn tự nhiên mang tên Sum Pack, được làm từ các loại thảo mộc địa phương. Sản phẩm được nhiều gia đình ở Senegal sử dụng để thêm gia vị lành mạnh cho các bữa ăn. 

Hiện tại, bà Mariama và NSS đang vận động tài trợ từ Chính phủ Senegal để giúp tăng cường sản xuất Sum Pack. “Phụ nữ là những nhân tố vô giá đối với sự phát triển của khu vực nông thôn. Chúng tôi muốn mọi người đánh giá đúng những nỗ lực không mệt mỏi của những người phụ nữ trong bảo vệ môi trường và sức khỏe gia đình họ”, bà Mariama nói.

Các chính sách nông nghiệp hiện tại của Senegal hỗ trợ canh tác quy mô lớn và nhỏ, nhưng có rất ít hoặc không có sự hỗ trợ nào đối với nông nghiệp sinh thái. “Tôi nghĩ rằng tài nguyên đất đang cạn kiệt dần, không chỉ ở một nơi nào mà trên toàn thế giới. Tình trạng này một mặt đang trở nên tồi tệ hơn bởi những người không quan tâm đến đất đai và tiếp tục đầu độc nó theo nhiều cách khác nhau. Nhưng mặt khác, vẫn còn những người làm nông nghiệp đang hồi sinh đất bằng những cách riêng”, bà Mariama chia sẻ.