Di sản cho đời sau

Chủ tịch lâu năm của Tập đoàn công nghệ Samsung, ông Lee Kun Hee đã qua đời ở tuổi 78. Câu chuyện về Samsung gắn liền sâu sắc với lịch sử của đất nước quê hương nơi tập đoàn này được hình thành. Đóng góp lớn nhất của ông Lee Kun Hee là giúp đưa tập đoàn trở thành một trong những “đế chế” kinh doanh hàng đầu ở “đất nước kim chi” cũng như trên thế giới. 

Ông Lee Kun Hee gặp gỡ công nhân viên một nhà máy bán dẫn của Samsung tại Hàn Quốc năm 2010. Ảnh: NIKKEI
Ông Lee Kun Hee gặp gỡ công nhân viên một nhà máy bán dẫn của Samsung tại Hàn Quốc năm 2010. Ảnh: NIKKEI

Lee Kun Hee là con trai của người sáng lập Samsung, ông Lee Byung Chul. Theo Bloomberg, ông Lee Kun Hee để lại khối tài sản khoảng 20 tỷ USD và là người giàu nhất Hàn Quốc. Tin đồn về sức khỏe của ông đã xuất hiện nhiều năm nay, song sự ra đi của ông vẫn gây bất ngờ không chỉ ở Hàn Quốc. Ông Lee Kun Hee lên nắm quyền điều hành Samsung vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước. Trong giai đoạn này, Lee Kun Hee dẫn dắt công ty của cha mình vượt qua giai đoạn biến động chính trị đầy khó khăn và chuyển giao quyền lực ở Hàn Quốc giữa hai đời Tổng thống là Chun Doo-hwan và Roh Tae-woo, mà cả hai ông sau này đều bị kết án tham nhũng. 

Sau đó, ông Lee Kun Hee tiếp tục khéo léo chèo lái “con thuyền Samsung” vượt qua những biến cố kinh tế đầy thách thức của những năm 90, bao gồm cuộc khủng hoảng tài chính châu Á giai đoạn 1997 - 1998. Khi đó, giới kinh doanh toàn cầu đã phải chứng kiến ​​sự “xuống dốc không phanh” của nền kinh tế Hàn Quốc cũng như các nền kinh tế khác đã được ví như “Con hổ châu Á” lúc đó, gồm Hàn Quốc, Hồng Công (Trung Quốc) và Singapore. 

Sau những năm tháng đầy thử thách, ông Kun Hee đã đầu tư vào xây dựng dòng điện thoại thông minh “Galaxy” của tập đoàn này. Bước đi đã đưa Samsung trở thành một thương hiệu tiêu dùng nổi tiếng toàn cầu. Dưới sự điều hành của Lee Kun Hee, Samsung từ một nhà sản xuất điện gia dụng ở Hàn Quốc đã trở thành đế chế sản xuất điện thoại thông minh, tivi… lớn bậc nhất thế giới. Trong đó việc phát triển các sản phẩm bao gồm chất bán dẫn, con chip, màn hình và một số phát minh khác vốn là “xương sống” của các thiết bị kỹ thuật số ngày nay. Thiết bị điện tử vốn chỉ là một trong những “chân nhện” của Tập đoàn Samsung, hiện có giá trị khoảng 350 tỷ USD, trở thành một trong những công ty có giá trị nhất thế giới.

Dù được ca ngợi là có sự nhạy bén trong kinh doanh và những hiểu biết sâu sắc về chiến lược quản lý, song Lee Kun Hee cũng phải đối mặt nhiều rắc rối trong việc điều hành công ty những năm vừa qua. Ông từng bị kết tội trốn thuế vào cuối những năm 2000, nhưng cuối cùng được Tổng thống Hàn Quốc lúc đó là Lee Myung Bak ra lệnh ân xá. Ông chủ lâu năm của Samsung cũng vấp phải chỉ trích do cố gắng “hậu thuẫn” con trai Lee Jae Yong để giữ ghế điều hành trong tập đoàn. 

Ông Lee Jae Yong đã tiếp quản quyền lãnh đạo tập đoàn khi người con cả trong gia tộc Lee phải sống trên giường bệnh sau một cơn đau tim vào năm 2014. Mặc dù vậy, Lee Jae Yong vướng vào điều tra và từng bị buộc tội hối lộ. Theo Bloomberg, các chuyên gia nhận định việc ông Lee Kun Hee và con trai Lee Jae Yong mải mê xây dựng Samsung thành đế chế gia đình đã tác động tiêu cực đến sự phát triển của tập đoàn này. Việc hội đồng quản trị và điều hành của Samsung hầu như chỉ bao gồm người trong gia đình hoặc mang quốc tịch Hàn Quốc, trong khi người ngoài khó có cơ hội chen chân, vô hình trung đẩy các nhà đầu tư quốc tế ra xa. Vì vậy, theo giới phân tích, gác lại những đau buồn sau sự ra đi của Chủ tịch Lee Kun Hee, đã đến lúc người thừa kế của ông bắt đầu gây dựng di sản riêng với tầm nhìn đưa Samsung thành một tập đoàn phủ bóng toàn cầu hơn nữa. 

Sự ra đi của ông Lee Kun Hee là mất mát to lớn đối với tập đoàn điện tử lớn bậc nhất Hàn Quốc. Giới quan sát nhận định, “sóng ngầm” từ những cổ đông chủ chốt muốn trỗi dậy để tranh giành quyền kiểm soát ở Samsung, cùng với sự cạnh tranh từ các “gã khổng lồ” khác trên thế giới như đối thủ lâu nay Apple (Mỹ) hay các công ty công nghệ từ những nền kinh tế khác như Nhật Bản, Trung Quốc… sẽ là thách thức kép với tập đoàn công nghệ Hàn Quốc này.