Đạo luật Kingpin “tuyên chiến” với các trùm ma túy

Ngày 16-9 vừa qua, Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ phối hợp Cơ quan bài trừ ma túy (DEA) đã xác định Zulma Maria Musso Torres (58 tuổi) là kẻ cầm đầu đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia. Đây chỉ là một trong rất nhiều động thái quyết liệt của các nhà chức trách “xứ cờ hoa” nhằm trấn áp tội phạm ma túy có dấu hiệu gia tăng thời gian qua. 

Cảnh sát Colombia thu giữ ma túy của băng nhóm do Musso Torres cầm đầu. Ảnh: EL ESPECTADOR
Cảnh sát Colombia thu giữ ma túy của băng nhóm do Musso Torres cầm đầu. Ảnh: EL ESPECTADOR

Theo Đạo luật Chỉ định trùm ma túy nước ngoài (Đạo luật Kingpin), các trùm ma túy nước ngoài đang trong tầm ngắm của cơ quan chức năng Mỹ. Đối tượng Musso Torres (biệt danh “La Patrona”) là kẻ đứng đầu đường dây buôn bán ma túy quốc tế đặt bản doanh tại khu vực Santa Marta (Colombia). Musso Torres là “bà trùm” kiểm soát các đường vận chuyển hàng hải có vị trí chiến lược ở phía bắc Colombia. Lợi nhuận phi pháp mà chúng thu được chủ yếu từ những kẻ buôn bán ma túy khác, như một khoản bảo kê cho các chuyến vận chuyển nhiều tấn ma túy trót lọt qua những khu vực kiểm soát trên địa bàn.

Hoạt động tội phạm của Musso Torres có sự tham gia hỗ trợ của chồng là Luis Antonio Bermudez Mejia (52 tuổi) và hai con trai: Washington Antunez Musso (34 tuổi) với biệt danh “Papo” và Juan Carlos Reales Britto (34 tuổi) có biệt danh “Juanki”. Cả ba đối tượng quản lý và báo cáo trực tiếp với Musso Torres về hoạt động buôn bán ma túy tại các cảng biển và nhiều địa điểm khác ở khu vực Magdalena, Atlantico và La Guajira của Colombia. 

Theo CNN, nhằm tạo vỏ bọc cho mình, các đối tượng đã thành lập Công ty xuất nhập khẩu độc quyền S.A.S. và Công ty Poligono Santa Marta S.A.S. tại Colombia. Trên giấy tờ, Công ty xuất nhập khẩu độc quyền S.A.S. là một doanh nghiệp kinh doanh nông sản, còn Poligono Santa Marta S.A.S. là cơ sở đào tạo bắn súng, đều đặt trụ sở tại khu Santa Marta. Nhưng thực tế, hai công ty này là nơi “rửa tiền” cho những thương vụ phi pháp, hỗ trợ vận chuyển số lượng nhiều tấn cocaine từ Colombia đến Mỹ, Mexico, Trung Mỹ và cả châu Âu.

“OFAC sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan liên ngành để xác định, thực hiện mục tiêu triệt phá các tổ chức buôn bán ma túy lớn đang tham gia việc vận chuyển ma túy đến Mỹ. Việc chỉ định Musso Torres và các thành viên trong tổ chức tội phạm này cho thấy cocaine sản xuất tại Colombia vẫn là mối đe dọa lớn đối với Mỹ”, bà Andrea Gacki, Giám đốc OFAC cho biết. Dựa trên Đạo luật Kingpin, tất cả tài sản và lợi ích tại Mỹ của các cá nhân, pháp nhân người Mỹ hoặc người nước ngoài trong danh sách chỉ định sẽ bị phong tỏa và báo cáo lại cho OFAC. Các quy định của OFAC còn nghiêm cấm tất cả các giao dịch của người Mỹ hoặc những người nước ngoài quá cảnh, định cư tại nước này với các đối tượng khác đã trong danh sách chỉ định và phong tỏa.

Ngoài vụ việc của băng nhóm Musso Torres, mới đây, đối tượng Miguel Baez Guevara (38 tuổi), một công dân Mỹ sống ở Mexico cũng đã bị một tòa án liên bang của Mỹ truy tố 17 tội danh liên quan việc điều hành đường dây buôn bán ma túy trực tiếp từ Mexico đến bang Alaska. Guevara đã bị lực lượng an ninh Mexico bắt giữ ngày 10/9 và trục xuất về Mỹ. Theo bản cáo trạng, bắt đầu từ năm 2016, tổ chức của Guevara đã vận chuyển heroin, methamphetamine và cocaine trực tiếp từ Mexico đến Alaska. Đối tượng này cũng tuyên bố là thành viên của băng nhóm Sinaloa Cartel ở Mexico. Sử dụng mạng xã hội và các ứng dụng nhắn tin được mã hóa, mạng lưới của Guevara mở rộng tuyển dụng rất nhiều kẻ vận chuyển ma túy đang sống ở Alaska. Việc bắt giữ Guevara và 23 đồng phạm là kết quả cuộc điều tra buôn bán ma túy quy mô lớn mang tên “chiến dịch Albondiga” do Lực lượng đặc nhiệm chống ma túy có tổ chức (OCDETF) thực hiện từ năm 2016.

Kể từ tháng 6/2000 tới nay, đã có hơn 2.200 tổ chức và cá nhân bị xử phạt theo Đạo luật Kingpin vì liên quan hoạt động buôn bán ma túy quốc tế. Khung hình phạt đối với các đối tượng vi phạm Đạo luật Kingpin từ mức hình phạt dân sự bằng tiền lên đến 1.548.075 USD với mỗi tội danh, cho tới khung hình sự nghiêm khắc hơn. Đối tượng “đầu sỏ” có thể lĩnh mức án đến 30 năm tù kèm theo số tiền phạt cao nhất tới 5 triệu USD. Các tổ chức, công ty vi phạm cũng có thể nhận mức phạt lên tới 10 triệu USD.