Cần tháo gỡ bất đồng

Nữ Thủ tướng đầu tiên của Thụy Điển Magdalena Andersson (trong ảnh) đã phải từ chức hôm 24/11 sau khi vừa được bầu vài giờ đồng hồ, do đảng Xanh rút khỏi liên minh cầm quyền. Những người ủng hộ đang kỳ vọng bà có thể được bầu lại trong bối cảnh lo ngại bất ổn chính trị phá vỡ những nỗ lực ngăn chặn đại dịch Covid-19 và gây cản trở phát triển kinh tế-xã hội.  

Ảnh: REUTERS
Ảnh: REUTERS

Hồi đầu tháng, đảng Dân chủ Xã hội đã bầu bà Magdalena Andersson (54 tuổi) khi đó đang là Bộ trưởng Tài chính nước này giữ ghế lãnh đạo đảng. Động thái này mở đường giúp bà đứng ra thành lập chính phủ liên minh và đảm nhiệm ghế Thủ tướng. Hôm 24/11, Quốc hội Thụy Điển bỏ phiếu công nhận bà Andersson là Thủ tướng kế nhiệm ông Stefan Lofven và trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử quốc gia Bắc Âu. 

Tuy nhiên, chỉ sau đó 7 giờ đồng hồ, nữ Thủ tướng đã phải đề nghị Chủ tịch Quốc hội Andreas Norlén bãi nhiệm chức vụ của bà, do đảng Xanh rút khỏi liên minh cầm quyền sau khi Quốc hội bác bỏ dự luật ngân sách của liên minh và thông qua đề xuất thay thế của phe đối lập. Đồng Chủ tịch đảng Xanh Per Bolund chỉ trích việc Quốc hội thông qua đề xuất của đảng đối lập Dân chủ Thụy Điển theo chủ nghĩa dân túy là “thương lượng với một đảng cực hữu”. 

Mặc dù vậy, đảng Xanh cho hay vẫn sẽ ủng hộ bà Andersson trong các cuộc bỏ phiếu tới đây tại Quốc hội. Trong thông báo từ chức, bà Magdalena Andersson cũng bày tỏ mong muốn trở lại đảm nhiệm vị trí đứng đầu chính phủ nếu Quốc hội nhất trí mở lại vòng bỏ phiếu xác nhận khác. Reuters dẫn lời bà Andersson cho biết: “Theo Hiến pháp, một chính phủ liên minh nên từ chức nếu một bên rời bỏ. Tôi cũng không muốn lãnh đạo một chính phủ bị nghi ngờ về tính hợp pháp”. 

Bên cạnh sự ủng hộ của đảng Xanh, các nhà lãnh đạo của đảng Trung tâm đã cho biết sẽ bỏ phiếu trắng trong vòng bỏ phiếu lại, được ngầm hiểu là ủng hộ bà Andersson. Đảng Cánh tả Thụy Điển (Vänsterpartiet) cũng công khai ủng hộ ứng cử viên đại diện đảng Dân chủ Xã hội. Báo giới Thụy Điển cho biết, các đảng cánh tả và trung tả này đã thống nhất với nhau về mục tiêu “hạn chế” vai trò của đảng Dân chủ Thụy Điển do đảng này phản đối chủ trương chống nhập cư và tư tưởng cực hữu. Theo đó, nhiều khả năng bà Andersson sẽ tiếp tục thành lập một chính phủ thiểu số của đảng Dân chủ Xã hội và kỳ vọng được Quốc hội thông qua. 

Người đứng đầu đảng Dân chủ Xã hội cam kết, nếu được bầu lại làm Thủ tướng, bà sẽ ưu tiên các vấn đề phúc lợi, khí hậu, chống tội phạm và nhập cư. Tuy nhiên, giới quan sát cũng dự báo, cho dù ai lãnh đạo chính phủ trong giai đoạn hiện nay đều phải đối mặt những thách thức lớn, trong bối cảnh cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào tháng 9/2022. Quốc gia Bắc Âu đang đứng trước yêu cầu giải quyết nạn bạo lực băng đảng và các vụ xả súng đe dọa an ninh ở nhiều thành phố lớn, đồng thời “tăng tốc” quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh để đáp ứng các mục tiêu về biến đổi khí hậu mà nước này là một trong những thành viên đi đầu.

Đại dịch Covid-19 cũng phơi bày những lỗ hổng trong hệ thống phúc lợi Thụy Điển, trong đó có tranh cãi chung quanh việc Thụy Điển chấp nhận nhiều người tỵ nạn hơn so các quốc gia châu Âu khác. Quốc gia Bắc Âu nổi tiếng với nhiều chính sách tiến bộ, song những năm gần đây, các đảng chính trị nước này đang phải đối mặt làn sóng dân túy, cực hữu leo thang. Nhiều cử tri tỏ ra bất bình với chính sách nhập cư, khiến tiếng nói của các đảng chống người nhập cư và chống châu Âu ngày càng tăng. 

Vào tháng 6, chính phủ của cựu Thủ tướng Stefan Lofven đã phải trải qua một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm dẫn đến sự từ chức của ông Lofven sau đó. Bởi vậy, tình huống vừa nhậm chức đã phải rời nhiệm sở của bà Andersson có thể tái diễn và đẩy Thụy Điển rơi vào bất ổn chính trị, nếu những bất đồng tồn tại lâu nay chưa được tháo gỡ.