Biểu tượng của đấu tranh vì bình đẳng giới

Theo CNN, bà Tererai Trent (trong ảnh), một nhà hoạt động giáo dục người Zimbabwe đã được tổ chức “Điêu khắc vì quyền bình đẳng” bình chọn là một trong số “10 phụ nữ truyền cảm hứng nhất thế giới”. Ngày 26-8 tới, bức tượng của bà Trent sẽ được dựng ở thành phố New York (Mỹ), bên cạnh những người nổi tiếng như ngôi sao truyền thông Oprah Winfrey, minh tinh Hollywood Nicole Kidman… để tôn vinh những cống hiến to lớn của bà trong giáo dục và đấu tranh vì bình đẳng giới.

Ảnh: TERERAI TRENT
Ảnh: TERERAI TRENT

Những người phụ nữ trong danh sách bầu chọn đều có đóng góp to lớn trong nhiều lĩnh vực, như nữ hoàng truyền thông Oprah Winfrey, hai minh tinh Nicole Kidman và Cate Blanchett, ngôi sao ca nhạc Pink, nhà hoạt động xã hội Janet Mock, nhà hóa học Tracy Dyson, VĐV thể dục Gabby Douglas, nhà văn Cheryl Strayed, nhà bảo tồn Jane Goodall và bà Tererai Trent (54 tuổi).

Mười phụ nữ trên sẽ được dựng tượng bằng đồng có kích thước thật nhân Ngày Bình đẳng Phụ nữ (26-8) tại đại lộ Trung tâm Rockefeller (Mỹ). Mới đây trên mạng xã hội Twitter, bà Tererai Trent bày tỏ: “Những bức tượng vì sự bình đẳng sẽ ra mắt tại thành phố New York vào mùa hè này. Tôi vô cùng vinh dự khi được đứng trong danh sách 10 phụ nữ truyền cảm hứng nhất thế giới. Xin hãy tham dự sự kiện trao quyền cho phụ nữ và những giấc mơ lớn”.

Khi còn là một cô bé sống tại làng Matau, thuộc tỉnh West Mashonaland (Zimbabwe), cuộc sống nghèo khó khiến nhiều cô bé như Tererai không có hy vọng nào khác vào tương lai ngoài việc kết hôn sớm. Tuyệt vọng vì không được đi học, cô bé Tererai với ước mơ lớn đã bí mật tự học thông qua các bài tập về nhà của anh trai mình. Tuy nhiên, Tererai sau đó bị buộc kết hôn khi mới 11 tuổi.

Năm 1991, khi ông Jo Luck, thuộc tổ chức phi lợi nhuận Heifer International (Mỹ) đến thăm làng Matau, ông Jo thấy bất ngờ và hoàn toàn bị thuyết phục trước câu trả lời của Tererai cho câu hỏi về giấc mơ vĩ đại nhất của người phụ nữ: “Tôi ước có thể đến Mỹ để được học trong một nền giáo dục tốt, và tôi muốn lấy bằng thạc sĩ, thậm chí cả tiến sĩ. Tôi thật sự tin tưởng vào giấc mơ này và hy vọng một ngày nào đó sẽ hoạt động vì mọi phụ nữ và trẻ em nghèo”.

Sau khi nhận được nhiều sự giúp đỡ, Tererai đã chuyển đến bang Oklahoma (Mỹ) cùng gia đình vào năm 1998. Chỉ ba năm sau, bà tốt nghiệp cử nhân giáo dục nông nghiệp và tiếp tục hoàn thành tấm bằng thạc sĩ vào năm 2003. Sau khi tái hôn, bà Tererai cùng chồng là Mark Trent, một nhà nghiên cứu thực vật của Đại học Oklahoma đã dồn toàn bộ tâm huyết và tài sản tích lũy để thành lập Quỹ quốc tế Tererai Trent, hỗ trợ hơn 5.000 trẻ em, đặc biệt là các bé gái ở Zimbabwe được đi học.

Câu chuyện đầy cảm hứng của bà Tererai đã thu hút sự chú ý của Oprah Winfrey. Sau đó, ngôi sao truyền thông Mỹ đã hợp tác với tổ chức phi chính phủ Save the Children quyên góp 1,5 triệu USD nhằm xây dựng trường tiểu học ở nhiều vùng nông thôn Zimbabwe từ năm 2011. Năm 2013, bà Tererai vinh dự là diễn giả khai mạc Hội nghị cấp cao các nhà lãnh đạo toàn cầu của LHQ và trở thành biểu tượng quốc tế vì sự nghiệp giáo dục và đấu tranh cho bình đẳng giới.

Năm 2017, bà xuất bản cuốn sách mang tên “Người phụ nữ thức tỉnh: Ghi nhớ và làm chủ những giấc mơ thiêng liêng của chúng ta”, trong đó khẳng định quyền được phát triển trọn vẹn tiềm năng của phụ nữ. Cuốn sách đã được giải “Tác phẩm văn học xuất sắc” tại Lễ trao giải hình ảnh NAACP lần thứ 49, do Hiệp hội quốc gia vì sự tiến bộ của người da mầu tại Mỹ trao tặng. Hiện tại, bà Tererai Trent vẫn tiếp tục đi tới nhiều nước trên thế giới để chia sẻ câu chuyện và những bài học quý giá của mình trên con đường thoát nghèo và xóa bỏ bất bình đẳng giới thông qua giáo dục.

Bà Eileen Burke, Phó Giám đốc phụ trách truyền thông của tổ chức Save the Children khẳng định: “Từ khởi đầu khiêm tốn là một cô gái chăn gia súc trong một ngôi làng nghèo, bà Tererai đã truyền cảm hứng cho những cô gái khác về một tương lai rộng mở tại Zimbabwe. Trong vai trò một nhà giáo dục xuất sắc, bà đã cải thiện việc học và thay đổi cuộc sống của những đứa trẻ ở nhiều địa phương khác”.