Bê bối gian lận xét nghiệm Covid-19 tại Đức

Mới đây, nhiều trung tâm xét nghiệm Covid-19 do Chính phủ Đức tài trợ bị cáo buộc gian lận, khai khống số lượng xét nghiệm. Trong lúc giới chức Đức đang dồn lực nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, thông tin này đã làm ảnh hưởng nỗ lực chung chống dịch.

Một trung tâm xét nghiệm Covid-19 tại Đức. Ảnh: AFP
Một trung tâm xét nghiệm Covid-19 tại Đức. Ảnh: AFP

Từ cuối tháng 5 vừa qua, một số cơ quan truyền thông Đức như NDRWDR cùng báo Süddeutsche Zeitung phối hợp thực hiện một phóng sự điều tra, trong đó cho thấy các trung tâm xét nghiệm Covid-19 miễn phí do chính phủ tài trợ đã báo cáo hàng trăm xét nghiệm không có thực. Cụ thể, sau khi điều tra một trung tâm ở thành phố Köln, các phóng viên phát hiện trung tâm này chỉ thực hiện 70 xét nghiệm/ngày, nhưng trong các số liệu báo cáo lại lên tới 977 mẫu xét nghiệm. Một trung tâm khác cũng thông báo đã tiến hành 422 ca xét nghiệm, dù trên thực tế chỉ có khoảng 100 người đến xét nghiệm. Thậm chí, còn có nơi cho biết đã làm xét nghiệm cho 1.743 người, song con số thực tế chỉ là 550 người.

Theo DW, chính sách chống dịch của Đức cho phép mỗi công dân được thực hiện ít nhất một xét nghiệm Covid-19 miễn phí mỗi tuần. Số tiền thực hiện xét nghiệm là 18 euro (khoảng 22 USD) sẽ do chính phủ chi trả. Trên thực tế, nhiều bang cho phép người dân được xét nghiệm Covid-19 miễn phí hằng ngày. Trước tình hình đó, nhiều trung tâm xét nghiệm tư nhân đã mọc lên trong thời gian gần đây. Bang Nordrhein-Westfalen có gần 8.000 trung tâm xét nghiệm, trong khi Thủ đô Berlin có ít nhất 1.200 trung tâm. Các trung tâm xét nghiệm không phải cung cấp bất cứ giấy tờ gì chứng minh số người đã được làm xét nghiệm khi nộp hồ sơ nhận tiền từ ngân sách. Vì vậy, lỗ hổng này đã bị lợi dụng để các trung tâm nâng khống số người làm xét nghiệm nhằm trục lợi.

Sau khi các thông tin về gian lận xét nghiệm bị báo chí phanh phui, chủ sở hữu của một số trung tâm y tế xét nghiệm Covid-19 tại Đức đã phủ nhận các cáo buộc, khẳng định con số mà họ tổng hợp từ nhiều địa điểm khác nhau có sự tham vấn của các cơ quan có liên quan. Tuy nhiên, các cơ quan y tế ở Münster, Essen và Cologne cho rằng, việc cộng dồn số lượng xét nghiệm của các địa điểm với nhau là sai quy định.

Hiện, các công tố viên Đức đã tiến hành điều tra vụ việc. Cơ quan chức năng của TP Köln cũng kiểm tra một trung tâm xét nghiệm, trong khi TP Münster thu hồi giấy phép của một công ty vận hành quản lý 50 trung tâm xét nghiệm. Bộ trưởng Tư pháp Christine Lambrecht khẳng định: “Nơi nào có gian lận, hành động đó sẽ bị trừng phạt bởi pháp luật và ai vi phạm sẽ nhận hậu quả thích đáng”.

Trước đó, nhiều chính trị gia đối lập cho rằng, kế hoạch xây dựng hệ thống xét nghiệm nhanh của Chính phủ Đức là “vội vã và hỗn loạn”. Dù kế hoạch xét nghiệm nhanh được kỳ vọng là trụ cột thiết yếu trong cuộc chiến chống Covid-19, song khâu quản lý chưa được siết chặt. Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) hôm 30-5 cho biết, Bộ trưởng Y tế Jens Spahn đã phớt lờ những cảnh báo về khả năng gian lận.

Đáp trả những ý kiến trái chiều, ông Jens Spahn tuyên bố nước này sẽ áp dụng những biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn trong việc quản lý xét nghiệm Covid-19. Trên tài khoản Twitter cá nhân, ông Jens Spahn khẳng định không nhân nhượng trước các hành vi gian lận nhằm trục lợi: “Bất kể là khẩu trang hay xét nghiệm, bất cứ ai lợi dụng đại dịch để làm giàu cho bản thân trái phép đều phải xấu hổ”. Bộ trưởng Y tế Đức cũng cho rằng, các cơ quan y tế và tài chính địa phương cũng có thể tham gia kiểm soát những trung tâm xét nghiệm, trong khi chính phủ nên giảm chi phí cho một ca xét nghiệm xuống dưới 10 euro. 

Theo DW, nhờ các nỗ lực xét nghiệm và tiêm phòng Covid-19, số ca nhiễm và tử vong đã giảm nhiều ở Đức. Số liệu công bố hồi cuối tháng 5 vừa qua cho thấy, hơn 35 triệu người Đức, chiếm khoảng 42,2% dân số, đã tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19; số người được tiêm đủ hai liều là 14,2 triệu người, chiếm 17,1% dân số. Đến giữa tháng 7 tới, Đức có thể hoàn thành việc tiêm chủng cho 90% số người trưởng thành có nhu cầu.