Tin tưởng triển vọng trung hạn

Dữ liệu khảo sát Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) quý II/2021 của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố ngày 12/7 cho thấy, các lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu đang tỏ ra thận trọng trong làn sóng dịch thứ tư tại Việt Nam, song vẫn bày tỏ lạc quan khi đánh giá về triển vọng hợp tác lâu dài.  

Chủ tịch EuroCham, Alain Cany phát biểu trong một sự kiện tại Hà Nội. Ảnh: EUROCHAM
Chủ tịch EuroCham, Alain Cany phát biểu trong một sự kiện tại Hà Nội. Ảnh: EUROCHAM

BCI là khảo sát thường xuyên lấy ý kiến của lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu về môi trường thương mại và đầu tư tại Việt Nam, được công bố mỗi quý một lần. Các đối tác và thành viên của EuroCham tại Việt Nam bao gồm Deloite, Piaggio, Bosch, Braun, Unilever và nhiều doanh nghiệp logistics lớn tại các địa phương trên cả nước.

Sau ba lần dập dịch thành công trước của Chính phủ Việt Nam và người dân, điều tra cho thấy các doanh nghiệp châu Âu đã đánh giá hết sức lạc quan về môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, so ba tháng đầu năm, sự lạc quan này đã suy giảm đáng kể, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều địa phương đang phải trải qua làn sóng dịch thứ tư và nguy cơ lây lan của biến chủng mới. 

Song nhìn chung, các lãnh đạo doanh nghiệp vẫn tin tưởng vào triển vọng trong quý III/2021, với hơn 50% đại diện doanh nghiệp châu Âu ở Việt Nam được hỏi bày tỏ tin tưởng rằng hiệu suất lao động sẽ được giữ nguyên hoặc cải thiện. Khoảng 80% đại diện doanh nghiệp cho biết có kế hoạch duy trì hoặc gia tăng số lượng nhân viên, giữ vững kế hoạch đầu tư và bày tỏ kỳ vọng duy trì hoặc tăng doanh thu, đơn hàng. 

Lý giải về điều này, theo bà Nguyễn Thu Hà, Giám đốc Văn phòng Adecco Hà Nội - một doanh nghiệp thành viên của EuroCham cho biết: “Rút kinh nghiệm từ năm trước, các doanh nghiệp hiện nay không còn thụ động trong việc ứng phó với đại dịch nữa. Giờ đây, doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn các kế hoạch ứng phó và duy trì hoạt động kinh doanh. Điều này cho phép họ giảm thiểu tác động từ đại dịch”. 

Cũng theo các số liệu trong báo cáo, khoảng 69% lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, đã có hiểu biết nhất định về Hiệp định Thương mại tự do Liên hiệp châu Âu (EU) - Việt Nam (EVFTA) và các tác động của hiệp định. Khoảng 61% lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu ở Việt Nam được khảo sát tin rằng EVFTA đã mang lại lợi ích cho doanh nghiệp của họ. Tuy vậy, các ý kiến cũng cho thấy rào cản lớn nhất khi áp dụng EVFTA vẫn là thủ tục hành chính.

Trong báo cáo vừa công bố, Yougov - đơn vị tổ chức thực hiện BCI cũng đã lấy ý kiến ​​của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thành viên EuroCham về tác động của việc tiêm vaccine Covid-19. Hơn một nửa trong số đó đồng ý rằng nếu không tiêm phòng cho nhân viên trong năm nay sẽ có tác động tiêu cực đáng kể đến hoạt động kinh doanh. Trong đó, khoảng 44% người được hỏi cho biết chưa được hướng dẫn để bắt đầu hoặc chuẩn bị tiêm chủng. Theo EuroCham, tổ chức này và 9 hiệp hội doanh nghiệp trực thuộc đã khảo sát các thành viên về khả năng họ có sẵn sàng tự chi trả chi phí tiêm chủng cho nhân viên của mình. Kết quả là, có 399 trên tổng số 430 thành viên đã trả lời “sẽ sẵn sàng làm như vậy”. 

Chủ tịch EuroCham, ông Alain Cany đã nhiều lần đề cập tầm quan trọng của việc thực hiện một chương trình tiêm chủng mở rộng tích cực và nhanh chóng: “Kết quả BCI của EuroCham tái khẳng định nhu cầu cấp thiết của Việt Nam trong việc tăng tốc chiến dịch tiêm chủng. Phong tỏa các tỉnh, thành phố, giãn cách xã hội và hạn chế đi lại không phải là giải pháp căn bản và sẽ gây ra thiệt hại kinh tế đáng kể về lâu dài, như dữ liệu của chúng tôi đã chỉ ra”. Ông Thue Quist Thomasen, thành viên Hội đồng EuroCham phân tích sâu hơn vào dữ liệu và cho thấy các công ty ở TP Hồ Chí Minh lo lắng hơn các công ty có trụ sở ở các tỉnh, thành phố khác ở Việt Nam. Ông chia sẻ: “Điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi khu đô thị phía nam là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất”.

Theo EuroCham, tổ chức này cùng các hiệp hội doanh nghiệp thành viên đã cùng gửi một lá thư chung để kêu gọi đại sứ các nước thành viên EU thúc đẩy việc quyên góp vaccine nhiều hơn cho Việt Nam như Nhật Bản và Mỹ từng làm, đồng thời xem xét việc tiêm chủng cho công dân của các quốc gia châu Âu đang làm việc, sinh sống tại Việt Nam.