Tiềm năng hợp tác kinh tế Việt Nam - châu Phi

Các doanh nghiệp Việt Nam đang tích cực tiếp cận và thâm nhập sâu hơn vào thị trường đầy hứa hẹn châu Phi, song vẫn còn đó không ít vướng mắc cần tháo gỡ để có thể khai thác tốt hơn tiềm năng hợp tác với các quốc gia “lục địa đen”. Đó là nhận định của các đại biểu tại Hội thảo “Hợp tác Việt Nam - châu Phi: Kinh nghiệm quản lý rủi ro trong hợp tác kinh tế với các nước châu Phi”, diễn ra mới đây tại Hà Nội.

Các đại biểu trao đổi ý kiến tại hội thảo.
Các đại biểu trao đổi ý kiến tại hội thảo.

Hội thảo do Bộ Ngoại giao phối hợp Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) tổ chức ngày 6-12, được đánh giá là tiếp nối thành công của Hội nghị “Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi” diễn ra hồi tháng 9-2019 tại Hà Nội. Bên cạnh sự có mặt của Tổng Thư ký OIF Louise Mushikiwabo, hội thảo thu hút sự tham dự của Cao ủy phụ trách kinh tế Victor Harison của Liên minh châu Phi (AU), cùng đông đảo đại sứ, đại biện các nước châu Phi tại Việt Nam, các đối tác phát triển, tổ chức quốc tế và giới doanh nghiệp.

Phát biểu ý kiến khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi cho biết, quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và các nước châu Phi có bề dày truyền thống. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hầu hết các quốc gia châu Phi. Năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam và châu Phi đạt mức hơn 6,6 tỷ USD, tăng 250% so mức 2,52 tỷ USD năm 2010. Hàng hóa của Việt Nam có mặt tại hầu hết các nước châu Phi, trong đó, các thị trường lớn là Nam Phi, Ai Cập, Ghana, Algeria, Bờ Biển Ngà...

Tuy nhiên, Thứ trưởng Đặng Minh Khôi khẳng định, tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và các nước châu Phi còn rất lớn và đa dạng. Với khoảng 1,2 tỷ dân, chủ yếu là lực lượng lao động trẻ, liên kết khu vực và quốc tế gia tăng, châu Phi đang vươn mình trở thành một trong những trung tâm tăng trưởng quan trọng của thế giới. Đặc biệt, Hiệp định Thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA) có hiệu lực trong năm nay là động lực đầy hứa hẹn, giúp kinh tế châu Phi tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ thời gian tới. Tuy vậy, các doanh nghiệp Việt Nam, dù đặt quyết tâm “chinh phục” địa bàn châu Phi rộng lớn, vẫn gặp không ít khó khăn, như thiếu thông tin về môi trường, tập quán kinh doanh, pháp lý, hệ thống chính sách và cơ chế thương mại..., dẫn đến nhiều rủi ro đầu tư.

Nhận định rằng, thiếu hiểu biết về châu Phi được xem là một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến rủi ro cho các nhà đầu tư vào “lục địa đen”, Tổng Thư ký OIF Louise Mushikiwabo kêu gọi Việt Nam và các nước châu Phi tăng cường các kênh đối thoại, trao đổi thông tin giữa hai bên, trong đó các doanh nghiệp nên đóng vai trò xúc tác. Trong bối cảnh châu Phi có nhu cầu lớn về năng lượng, kết nối hạ tầng giao thông, logistics..., bà Louise Mushikiwabo mời gọi các đối tác tăng cường đầu tư vào châu Phi, coi châu Phi là đối tác thật sự và là lựa chọn hợp tác hàng đầu. Cao ủy Victor Harison cũng khẳng định, hợp tác khu vực tư nhân chính là động lực của tăng trưởng, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam đến đầu tư tại châu Phi với tinh thần “đôi bên cùng có lợi”.

Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế với châu Phi, song, tại hội thảo, đại diện giới doanh nghiệp Việt Nam thừa nhận, vẫn còn không ít rủi ro khi đầu tư vào thị trường này, trong đó phải kể đến rủi ro về mức độ cam kết của các nước châu Phi không cao, bộ máy hành chính cồng kềnh, hạ tầng kém, an ninh - xã hội bất ổn... Để giảm bớt những rủi ro có thể xảy ra, Luật sư Phạm Liêm Chính, Trưởng văn phòng Luật sư Chính và cộng sự cho hay, các doanh nghiệp Việt Nam nên lựa chọn đối tác và đàm phán kỹ càng, đồng thời giám định hàng hóa một cách cẩn trọng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể xây dựng kho hàng tại các nước châu Phi, để bảo đảm tiến độ nguồn hàng, cũng như chất lượng sản phẩm.

Chia sẻ với Thời Nay, Đại biện lâm thời Libya tại Việt Nam Salah Alturki khẳng định, tình hình an ninh tại Libya khiến hoạt động hợp tác chưa xứng với tiềm năng và kỳ vọng của đôi bên, song thời gian tới, Libya sẽ nỗ lực để thu hút ngày càng nhiều các doanh nghiệp Việt Nam đến đầu tư.