Thành viên tích cực và có trách nhiệm

PGS, TS, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao là đại diện đầu tiên của Việt Nam trúng cử thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC) thuộc LHQ nhiệm kỳ 2017-2022 và vừa tái đắc cử với số phiếu rất cao (145/193). Trước thềm Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, Hội nghị Ngoại giao 31 và Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc 20, Đại sứ (ĐS) đã chia sẻ với Thời Nay về những đóng góp của ngành ngoại giao Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. 

Đại sứ Nguyễn Hồng Thao tại Lễ vinh danh Gương sáng pháp luật. Ảnh: LÊ SAN
Đại sứ Nguyễn Hồng Thao tại Lễ vinh danh Gương sáng pháp luật. Ảnh: LÊ SAN

PV: Xin chúc mừng ĐS tái đắc cử thành viên ILC nhiệm kỳ 2023-2027. Trong nhiệm kỳ đầu tại ILC, thành viên Việt Nam đã có những đóng góp đáng chú ý nào, thưa ông?

ĐS Nguyễn Hồng Thao: ILC là cơ quan của LHQ có chức năng pháp điển hóa và phát triển tiến bộ pháp luật quốc tế; soạn thảo, tổng hợp và đưa ra thảo luận những vấn đề thực tiễn từ các quốc gia để đưa vào báo cáo và hình thành nên những điều luật được quy định toàn thế giới. Việc thảo luận và tranh luận để làm sáng tỏ một khái niệm, một phạm trù chung của những vấn đề dư luận quốc tế quan tâm có ý nghĩa rất quan trọng. 

Trong nhiệm kỳ vừa qua, tôi đã tham gia tích cực vào những hoạt động của ILC tại các phiên họp toàn thể, tại Tiểu ban soạn thảo và các Tiểu ban chuyên môn khác của ILC. Chẳng hạn như khi phát biểu ủng hộ việc dự thảo Công ước về tội ác chống lại nhân loại, ghi nhận việc ngăn ngừa và trừng phạt tội ác chống nhân loại là một quy phạm mệnh lệnh của luật quốc tế, tôi đã nhấn mạnh điều này được minh chứng bởi phán quyết số 002/02 tháng 11/2018 của Tòa án đặc biệt xét xử tội ác của Khmer Đỏ (ECCC). 

Việc đưa những dẫn chứng như thế vào trong các Báo cáo chính thức của ILC hết sức quan trọng, vì những báo cáo này sẽ được tòa án quốc tế, các tòa trọng tài quốc tế, học giả, nhà nghiên cứu, chuyên gia quốc tế tham khảo để nghiên cứu, viết bài, trích dẫn và như vậy tạo ra dư luận, niềm tin pháp luật để có thể tạo ra tập quán quốc tế, chấp nhận những vấn đề đó như là luật. 

Trong các phiên thảo luận, tôi đã trình bày nhiều thực tiễn của Việt Nam và trong khu vực, được các thành viên khác của ILC đánh giá cao. Những kiến nghị của chúng ta về các nội dung và kỹ thuật pháp lý nhằm hoàn thiện các dự thảo kết luận và nguyên tắc của ILC trước khi gửi lấy ý kiến các quốc gia tại LHQ đã được ghi nhận. 

Tại kỳ họp thứ hai, khóa họp 71 của ILC (năm 2019), tôi đã nhận nhiệm vụ xây dựng Báo cáo về “Các nước châu Á-Thái Bình Dương và vấn đề mực nước biển dâng cao trong quan hệ với luật pháp quốc tế”. Hiện nay, do tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam và các quốc gia Thái Bình Dương là những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi nước biển dâng. Vì vậy, đây là dịp để thể hiện quan điểm chuyên gia, cũng như phản ánh quan điểm của Việt Nam và các nước đang phát triển trong khu vực về những vấn đề như tác động của nước biển dâng đối với đường cơ sở, quy chế các vùng biển, quy chế quốc gia, di cư, bồi thường, đồng thời cũng tiếp tục khẳng định và bảo vệ vai trò quan trọng của Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) trong giải quyết các vấn đề trên biển.

PV: Bầu cử tại một cơ quan phát triển pháp luật quốc tế có uy tín như ILC luôn có tính cạnh tranh rất cao. Theo ĐS, việc tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai có ý nghĩa như thế nào?

ĐS Nguyễn Hồng Thao: Việc tham gia vào ILC là thành quả của chiến lược ngoại giao đa phương của Việt Nam, muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, đồng thời là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng thế giới. Khi đã là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng thế giới thì một trong những ưu tiên đó là ngay từ đầu chúng ta tham gia vào định hình luật chơi, việc xây dựng pháp luật. ILC là cơ quan pháp điển hóa và phát triển tiến bộ pháp luật quốc tế, việc tham gia ILC giúp chúng ta hiểu được xu thế phát triển của luật quốc tế, qua đó đánh giá và triển khai hợp tác trong các lĩnh vực khác. 

Chúng ta cũng tổ chức phối hợp tất cả các mặt trận trong ngoại giao đa phương, từ ILC đến Hội đồng Bảo an LHQ, Ủy ban Thương mại quốc tế… Việt Nam mong muốn tham gia và hiện diện nhiều hơn trong nhiều tổ chức quốc tế. Cho đến nay, Việt Nam mới thành công trong việc đề cử cá nhân vào ILC, tới đây sẽ đề cử đại diện của Việt Nam vào các tổ chức khác, như Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của LHQ, Tòa án quốc tế về Luật Biển, Tòa án công lý quốc tế. 

Kinh nghiệm tại ILC giúp chúng ta chuẩn bị cho sự tham gia vào những tổ chức này. Lần đầu có thể là sự may mắn, nhưng tái đắc cử lần thứ hai cho thấy vị thế của Việt Nam đang đi lên, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Mặt khác, chúng ta cũng cảm thấy tự tin Việt Nam có thể tham gia bình đẳng với tất cả ứng viên của những nước khác trong các tổ chức quốc tế. 

PV: Trong thời gian tới, ĐS dự kiến sẽ có những hoạt động và đóng góp gì trong công tác ngoại giao đa phương của Việt Nam? 

ĐS Nguyễn Hồng Thao: Nhiệm kỳ tới tôi sẽ tiếp tục đi sâu làm rõ các thách thức lớn của thế giới, như vấn đề biến đổi khí hậu, đại dịch, chống khủng bố, an ninh mạng, bảo vệ đa dạng sinh học… Đây là những vấn đề đòi hỏi cần phải có những giải pháp toàn cầu. Đó là những vấn đề mà không một quốc gia nào có thể đơn độc giải quyết và đặt ra yêu cầu phát triển luật quốc tế như là một công cụ hợp tác để thúc đẩy các quốc gia tìm kiếm những giải pháp có thể chấp nhận được. 

Trong nhiệm kỳ tiếp theo, tôi sẽ tham gia sâu hơn nữa vào quá trình nghiên cứu, thảo luận các chủ đề tại ILC, thúc đẩy những chủ đề gắn bó mật thiết với lợi ích các nước đang phát triển, với mong muốn những nghiên cứu của Ủy ban ngày càng sâu sát với các thách thức pháp lý mới nổi, phù hợp hơn nữa với nguyện vọng của các quốc gia. 

Hiện tôi tiếp tục phát triển và tham gia nhóm nghiên cứu về nước biển dâng cao và tác động của nước biển dâng cao từ góc độ của luật quốc tế. Việt Nam là một trong năm nước chịu tác động mạnh nhất của nước biển dâng. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên, đi đầu khởi động xem xét lại hệ thống pháp luật quốc tế về bảo vệ sức khỏe. Việt Nam đã chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy thông qua thành công Nghị quyết thành lập Ngày Quốc tế về phòng, chống dịch bệnh vào ngày 27/12 hằng năm. Đây là nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng LHQ trong lĩnh vực này, cũng là nghị quyết đầu tiên do Việt Nam chủ trì đề xuất, đã nhận được sự ủng hộ của toàn bộ các nước thành viên LHQ. 

PV: ĐS đánh giá ra sao về ý nghĩa của Hội nghị đối ngoại toàn quốc, Hội nghị Ngoại giao và Hội nghị Ngoại vụ lần này, đặc biệt trong bối cảnh đang triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam? 

ĐS Nguyễn Hồng Thao: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó dự báo; đất nước đang đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi song cũng có nhiều khó khăn đan xen như thách thức về phát triển kinh tế, về bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông cùng ảnh hưởng của đại dịch... Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, chúng ta đã đạt được những thành công, có thể khôi phục kinh tế, rất nhanh thích ứng một cách chủ động với đại dịch, tìm ra những giải pháp để đưa đất nước đi lên. 

Hội nghị đối ngoại toàn quốc, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 và Hội nghị Ngoại vụ 20 được triển khai ngay sau Đại hội Đảng lần thứ XIII, tạo đà phấn khởi chung trong tất cả cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia công tác đối ngoại. Ngoài ngoại giao chính thống, chúng ta còn phát huy sức mạnh của ngoại giao nghị viện, đối ngoại đảng, đối ngoại nhân dân…, phát triển một cách đồng bộ trong sự phát triển chung của đất nước.

PV: Xin cảm ơn ĐS!

ILC được thành lập theo Nghị quyết số 174 (II) ngày 21/11/1947 của Đại hội đồng LHQ, với 34 thành viên là những người được thừa nhận có trình độ và năng lực trong lĩnh vực luật quốc tế cả về lý luận và thực tiễn. Nhiệm vụ của ILC là thúc đẩy quá trình pháp điển hóa và phát triển tiến bộ pháp luật quốc tế.