Những “cầu nối” giữa Việt Nam & Trung Đông - châu Phi

Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi dù xa cách về địa lý song cũng có nhiều điểm tương đồng, trong đó có sự quyết tâm thúc đẩy hợp tác đóng góp vào phát triển chung của mỗi quốc gia trong giai đoạn hiện nay. Hội nghị “Gặp mặt đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi” do Bộ Ngoại giao lần đầu tổ chức, diễn ra trong hai ngày 9 và 10-9 vừa qua, đã cho thấy tiềm năng hợp tác rất đa dạng giữa Việt Nam và khu vực rộng lớn này.

Các đại biểu thăm gian hàng giới thiệu sản phẩm của Việt Nam.
Các đại biểu thăm gian hàng giới thiệu sản phẩm của Việt Nam.

Tại buổi tọa đàm “Nâng cao hiệu quả hợp tác thương mại Trung Đông - châu Phi” trong khuôn khổ Hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường cho biết, hoạt động đầu tư giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông - châu Phi những năm vừa qua đã đạt được những điểm sáng đáng chú ý. Trong đó, các dự án viễn thông, nông nghiệp của Việt Nam tại một số quốc gia châu Phi nhận được phản hồi tích cực, không chỉ giúp đỡ người dân nơi đây phát triển kinh tế, mà còn mở rộng cơ hội kết nối toàn cầu.

Nhận định về hợp tác song phương giữa Việt Nam và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Đại sứ UAE Obaid Saeed Bintaresh Al Dhaheri chia sẻ rằng, ông đã nhận thấy triển vọng to lớn ở Việt Nam từ rất sớm khi còn làm kinh doanh. Trước đây, ông Al Dhaheri đã mở văn phòng đại diện công ty hóa dầu của mình tại TP Hồ Chí Minh. Đến nay, với vai trò là một nhà ngoại giao, ông tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp hai nước phát triển giao thương.

Đại sứ Mozambique tại Việt Nam, ông Leonardo Pene cho rằng, Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông - Nam Á và các doanh nghiệp Mozambique đánh giá cao sự hợp tác trong lĩnh vực viễn thông giữa hai tập đoàn hàng đầu của hai nước là Movitel và Vietel, cũng như mong muốn liên doanh trong lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp, thủy sản...

Theo các chuyên gia, Trung Đông - châu Phi được đánh giá là khu vực thị trường còn nhiều tiềm năng mở rộng hợp tác và phát triển với Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm của khu vực Trung Đông là rất cao. Trong khi đó, châu Phi tuy giàu tài nguyên nhưng sản xuất chưa phát triển nên nhu cầu hàng tiêu dùng, lương thực cũng lớn. Đây là hai thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam với thế mạnh như hàng gia dụng, thủy sản, cà-phê, dệt - may…

Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, những kết quả hợp tác kinh tế hiện nay vẫn chưa tương xứng tiềm năng và mong muốn của hai bên. Hiện, tỷ trọng trao đổi thương mại giữa Việt Nam và khu vực mới chỉ chiếm 3,5% trong tổng số 480 tỷ USD giá trị hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2018. “Con số này khá khiêm tốn so tốc độ tăng trưởng và quy mô kinh tế và dân số của cả hai bên”, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường chia sẻ.

Các đại sứ, quan chức ngoại giao tham dự hội nghị “Gặp mặt đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi” đã nhất trí sẽ đóng vai trò làm những “cầu nối” để tăng cường hiểu biết và đưa các doanh nghiệp mỗi bên tìm hiểu thị trường của nhau. Đại sứ Mozambique kêu gọi các doanh nghiệp hai bên tận dụng mọi tiềm năng để trao đổi cơ hội hợp tác trong tương lai. Còn Đại sứ Nam Phi tại Việt Nam, Mpetjane Kgaogelo Lekgoro hy vọng hội nghị giúp tăng cường sự hiểu biết giữa các bên, sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư từ Việt Nam đến tìm hiểu thị trường Nam Phi.

Trung Đông - châu Phi là một khu vực rộng lớn gồm 70 quốc gia, với dân số khoảng 1,6 tỷ người, là thị trường đầy tiềm năng hợp tác. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, năm 2020 khi đảm nhận hai trọng trách Chủ tịch luân phiên ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam có thể là cầu nối để thúc đẩy các nội dung hợp tác mà hai bên có cùng quan tâm. Đây là cơ hội lớn và Việt Nam tin tưởng có khả năng đáp ứng các nhu cầu hợp tác ngày càng cao và đa dạng của các nước Trung Đông - châu Phi.