Nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách

Truyền thông chính sách là chủ đề quan trọng gắn liền với hiệu quả của hoạt động chính phủ. Nhiều kinh nghiệm quý báu trong lĩnh vực này đã được trao đổi tại Hội thảo khoa học “Truyền thông chính sách và đồng thuận xã hội”, do Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Cổng thông tin điện tử (CTTĐT) Chính phủ và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) phối hợp tổ chức ngày 1-11 tại Hà Nội.

Trao đổi ý kiến bên lề hội thảo.
Trao đổi ý kiến bên lề hội thảo.

Trong những năm gần đây, công tác truyền thông các chính sách của Chính phủ đến công chúng đã có nhiều đổi mới, với sự ra đời của nhiều cơ quan chức năng, các ấn phẩm truyền thông đa phương tiện của Chính phủ… Tuy nhiên, theo số liệu của CTTĐT Chính phủ, trên thực tế từ đầu năm 2017 đến nay, CTTĐT Chính phủ đã đăng tải 410 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, song góp ý của nhân dân còn hết sức khiêm tốn, với 240 ý kiến.

Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, ông Vi Quang Đạo, Tổng Giám đốc CTTĐT Chính phủ cho rằng, chính sách tốt, giải quyết đúng những vấn đề thực tiễn cuộc sống đặt ra sẽ nhận được sự ủng hộ của xã hội, tạo đồng thuận cao trong việc thực thi, triển khai nên sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống và đem lại hiệu quả lớn. Ngược lại, những chính sách “trên trời” không những không đạt được mục tiêu mong muốn, mà nhiều khi còn làm gia tăng bức xúc trong dư luận xã hội.

Nhiều đại biểu tham dự Hội thảo cũng nhận định rằng, việc xây dựng chính phủ điện tử tại Việt Nam còn chậm so nhiều quốc gia trong khu vực, nhiều khi việc cung cấp thông tin cho báo chí và người dân còn thiếu gắn kết, dẫn đến thực trạng chính sách ra đời khó ứng dụng trong thực tiễn. Điều này càng cho thấy sự cần thiết phải tăng cường hiệu quả của công tác truyền thông chính sách.

Do vậy, các ý kiến tham luận đều nhấn mạnh vai trò của truyền thông chính sách sao cho nhận được sự đồng thuận xã hội. Đáng chú ý, theo tham luận của các đại biểu Hàn Quốc, đồng thuận của cộng đồng không chỉ là mục tiêu mà còn là nguồn lực xã hội quan trọng nhằm góp phần áp dụng thành công chính sách vào thực tiễn.

TS Uhm Seung Yong, Giám đốc Viện Nguồn lực văn hóa Hàn Quốc chia sẻ, sự phát triển kinh tế của Hàn Quốc trong hơn 60 năm qua có được là nhờ phần lớn từ hệ thống truyền thông hiệu quả giữa người dân, doanh nghiệp và chính phủ. Ông đã nêu một số thí dụ cho thấy một vài cuộc “khủng hoảng truyền thông” ở Hàn Quốc được xử lý tốt và sau đó chuyển biến thành động lực mới cho ổn định và tiến bộ.

Nhân dịp này, đông đảo nhà khoa học, chuyên gia hoạch định chính sách và đại diện các cơ quan truyền thông hai nước Việt Nam và Hàn Quốc đã tới lắng nghe, chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm về truyền thông chính sách. Các chủ đề tham luận đã giúp làm rõ nhiều vấn đề quan trọng khi tìm hiểu về truyền thông chính phủ với người dân và giới thiệu cách tiếp cận mới với khái niệm truyền thông chính sách…

Các ý kiến đều nhấn mạnh vai trò và sự tham gia của các cơ quan báo chí và người dân trong tất cả các giai đoạn, từ hoạch định, ban hành và đánh giá chính sách, qua đó tập trung kiến nghị các giải pháp để xây dựng đồng thuận xã hội. PGS, TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá, các chuyên gia đã đưa ra nhiều kiến giải sâu sắc và có tính khả thi để đóng góp cho công tác truyền thông chính sách hiện nay. Ông cũng đánh giá cao những kinh nghiệm quý báu của Hàn Quốc để có thể đưa vào học tập ở Việt Nam.

Hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học Việt Nam và Hàn Quốc trao đổi và tiếp thu kinh nghiệm của nhau, đồng thời cũng là một trong những minh chứng của mối quan hệ hợp tác đa dạng giữa hai quốc gia. Năm 2017 đánh dấu 25 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao song phương Việt Nam - Hàn Quốc (22-12-1992/22-12-2017). Hàn Quốc hiện không chỉ là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, mà còn là đối tác quan trọng trong nhiều lĩnh vực khác, trong đó có nghiên cứu khoa học.