Khai thác du lịch song hành với bảo tồn di sản

Với những di sản thiên nhiên thế giới và cảnh quan thiên nhiên độc đáo, Quảng Bình mong muốn phát triển thành trung tâm của du lịch mạo hiểm trong khu vực. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch cần bảo đảm giá trị di sản để bảo tồn và phát triển bền vững.

Sông ngầm trong hang Sơn Đoòng. Ảnh: OXALIS
Sông ngầm trong hang Sơn Đoòng. Ảnh: OXALIS

Có mặt tại buổi họp báo quốc tế về chuyến thám hiểm sông ngầm trong Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới, do UBND tỉnh Quảng Bình và Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức diễn ra chiều 9-4 tại Hà Nội, nhóm chuyên gia của Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh đã chia sẻ về hành trình đầy thú vị này.

Vào tháng 3 và tháng 4-2019, một nhóm chuyên gia lặn người Anh đã nhiều lần lặn xuống hồ nước trong hang Sơn Đoòng để tìm ra đoạn hang ngầm nối giữa hang Sơn Đoòng và hang Thung cách nhau 600 m. Cuộc chinh phục này trở thành hành trình lặn hang sâu nhất Việt Nam. Chris Jewell là người đã tìm ra mái vòm của đoạn hang mới ở độ sâu 61 m, hé lộ một hệ thống hang ngầm dưới lòng đất. Theo các chuyên gia, với phát hiện này thì hang Sơn Đoòng lại trở thành điều bí ẩn đối với giới nghiên cứu.

Là một trong những người đầu tiên tham gia khảo sát hang động tại Quảng Bình, ông Howard Limbert (thành viên Hiệp hội nghiên cứu hang động Hoàng gia Anh) cho biết, trong gần 30 năm qua, các chuyên gia đã khám phá hơn 350 hang tại khu vực Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và 20 hang động ở các vùng lân cận. Tuy nhiên, mới chỉ khoảng 30% khu rừng và dãy núi đá vôi được khảo sát trong khu di sản thiên nhiên thế giới này, rất nhiều điều hấp dẫn giới chuyên môn và du khách vẫn chờ ở phía trước. Điều này càng tăng sức hút với những ai quan tâm du lịch thám hiểm, du lịch khám phá hang động, dòng sản phẩm kén khách nhưng lại có sức cạnh tranh với nhiều điểm đến trong khu vực.

Thách thức với các khu du lịch nói chung, các khu di sản nói riêng là tình trạng tăng trưởng du lịch sẽ kéo theo nhiều hệ lụy về môi trường như rác thải, tiếng ồn, ô nhiễm không khí, tác động của con người và biến đổi khí hậu ảnh hưởng cảnh quan. Những điểm du lịch nổi tiếng thế giới như Venice (Italia), Bali (Indonesia), Dubrovnik (Croatia)… đón hàng chục triệu lượt du khách ghé mỗi năm từng phải công bố chính sách quản lý du lịch, thậm chí đóng cửa để xử lý ô nhiễm môi trường.

Khai thác du lịch song hành với bảo tồn di sản ảnh 1

Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng hầu như mở cửa suốt năm đón du khách. Ảnh: LEADTRAVEL

Dù là tiềm năng sẵn có thì việc phát triển du lịch hang động, du lịch mạo hiểm cũng cần tuân thủ các quy định quốc gia và quốc tế. Tại buổi họp báo, ông Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, tỉnh không cho phép xây dựng hệ thống cáp treo vào hang Sơn Đoòng, bảo đảm bảo tồn vùng lõi của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng như đã cam kết.

Từ năm 2013, UBND tỉnh Quảng Bình cho phép đưa vào khai thác loại hình du lịch thám hiểm tại hang Sơn Đoòng. Ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Công ty Oxalis, đơn vị được chỉ định khai thác tuyến du lịch này cho biết, mỗi chương trình tour giới hạn là 10 du khách tham gia, mỗi năm chỉ được phép tổ chức cho 1.000 người trong tám tháng kể từ đầu năm. Hiện nay ở Việt Nam, chỉ có duy nhất hang Sơn Đoòng là đóng cửa khách du lịch trong bốn tháng để thiên nhiên “nghỉ ngơi” và tái tạo, còn các di sản thế giới khác như Vịnh Hạ Long, Hội An, Tràng An đều được khai thác quanh năm.

Ngay Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, di sản hai lần được Tổ chức Giáo dục, Khoa học & Văn hóa LHQ (UNESCO) vinh danh, các hoạt động du lịch khám phá thiên nhiên, trải nghiệm hang động cũng chỉ trừ thời gian mưa bão, lũ lụt. Dòng sản phẩm khám phá hay thám hiểm hang động như hang Va, hang Nước Nứt, hệ thống hang động Tú Làn - hang Tiên, hang Én, thung lũng Ma Da, hang Trạ Ang… cũng mở cửa hầu như cả năm. Do đó, khai thác để phát triển du lịch đi đôi với bảo tồn giá trị di sản vẫn là thách thức không nhỏ đối với các cơ quan du lịch Việt Nam.