Hướng đến chặng đường kế tiếp

Ngày 28/4, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo mới về đói nghèo và bình đẳng tại Việt Nam, với tựa đề “Từ chặng đường cuối đến chặng đường kế tiếp”, đưa ra đánh giá về tiến độ giảm nghèo của Việt Nam trong một thập kỷ tính đến năm 2020 và xem xét những yếu tố cần có để duy trì tăng trưởng, bảo đảm an ninh kinh tế của các nhóm đã thoát nghèo.

Lễ công bố báo cáo về giảm nghèo và bình đẳng của WB.
Lễ công bố báo cáo về giảm nghèo và bình đẳng của WB.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam đánh giá tỷ lệ nghèo ở Việt Nam đã giảm đáng kể trong giai đoạn 2010-2020, trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng mạnh, giáo dục đạt nhiều thành quả. Dù vậy, bất bình đẳng có tăng nhẹ trong nửa sau của giai đoạn 10 năm vừa qua. “Nghị trình giảm nghèo và bình đẳng của Việt Nam không chỉ là vấn đề nâng cao mức sống tối thiểu và giải quyết tình trạng nghèo kinh niên mà Việt Nam đã làm rất tốt cho đến nay. Chặng kế tiếp hướng tới tạo ra những đường hướng kinh tế mới và bền vững cho người dân với khát vọng cao hơn. Đây là một con đường đầy thử thách và chưa có tiền lệ trong bối cảnh kinh tế và khí hậu toàn cầu đang thay đổi”, bà Carolyn Turk cho biết.

Trong vòng 10 năm qua, Việt Nam đã có những chuyển biến về kinh tế rõ rệt, bao gồm việc chuyển dịch việc làm khỏi khu vực nông nghiệp, cũng đã có những bước tiến trong xóa đói, giảm nghèo và cải thiện mức sống ở một số khu vực nghèo nhất. Mặc dù vậy, theo các chuyên gia của WB, thách thức thường xuyên với giảm nghèo vẫn còn. Chẳng hạn, một số nhóm gia đình không có cơ hội tham gia các lĩnh vực sôi động nhất của nền kinh tế như những hộ ở vùng sâu, vùng xa, gia đình có thu nhập phụ thuộc vào nông nghiệp, các dân tộc thiểu số… 

Cùng với đó, đại dịch Covid-19 đã cho thấy tình trạng dễ bị tổn thương về kinh tế là vấn đề rất đáng quan ngại, chứ không chỉ đơn thuần là nghèo đói. Một số nhóm dân số ngay cả khi không còn nghèo vẫn cần có lưới an sinh bảo đảm an toàn trong thời kỳ kinh tế suy thoái, như nhóm lao động phi chính thức hoặc nhập cư. Đồng thời, Việt Nam cũng cần xây dựng một chiến lược cho tầng lớp trung lưu không giống chiến lược xóa đói, giảm nghèo trước đây.

Ông Matthew Wai-Poi, chuyên gia kinh tế chính thuộc Ban Nghèo và Bình đẳng của WB chia sẻ: “Mười năm qua, chương trình nghị sự về nghèo đói và bình đẳng không còn chỉ là nâng cao mức sống tối thiểu và giải quyết tình trạng nghèo kinh niên, mà còn là tạo ra hướng kinh tế mới và bền vững cho một nhóm dân cư có khát vọng cao hơn”. 

Theo báo cáo, Việt Nam cần bảo đảm rằng có các đường hướng dịch chuyển kinh tế bền vững nhằm thực hiện khát vọng trở thành quốc gia có thu nhập cao trong vòng hai thập kỷ tới. Song, dịch bệnh đã làm gián đoạn quá trình tạo việc làm và tăng thu nhập, có khả năng đẩy lùi tiến bộ trong giảm nghèo và gia tăng bất bình đẳng hơn nữa. Số liệu nghiên cứu cho thấy, thu nhập của phụ nữ, những người làm việc trong khu vực phi chính thức và các hộ gia đình nghèo nhất phục hồi chậm nhất từ ​​giữa năm 2020 đến tháng 3/2021.

TS Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, Việt Nam sẽ phải đối mặt những thách thức trong việc chuyển đổi sang việc làm với kỹ năng cao hơn nếu không tiếp tục cải cách giáo dục, phát triển kỹ năng và chuyển đổi thị trường lao động. Đặc điểm chính của thị trường lao động là các ngành nghề có kỹ năng cao lại có tốc độ tăng trưởng chậm, tỷ lệ phi chính thức cao và lực lượng lao động già hóa. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học sẽ là một bước đi quan trọng trong tiến trình này.

Các chuyên gia của WB cũng đã đề xuất và thảo luận những phương án dẫn đến thu nhập trung bình và thu nhập cao cho Việt Nam. Trong đó, nhấn mạnh tầm quan trọng của các chính sách như cải tiến chất lượng trong giáo dục đại học, hiện đại hóa hệ thống an sinh xã hội và phát triển nguồn tài chính công để đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trung lưu đang ngày càng mở rộng.