Hành trình một năm EVFTA

Kỷ niệm một năm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực (1/8/2020 - 1/8/2021), Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã tổ chức Hội thảo “Hành trình một năm Hiệp định EVFTA: Đẩy mạnh hợp tác thực thi hiệu quả”. 

EVFTA giúp doanh nghiệp Việt Nam thêm nhiều cơ hội hợp tác với EU. Ảnh: GETTY IMAGES
EVFTA giúp doanh nghiệp Việt Nam thêm nhiều cơ hội hợp tác với EU. Ảnh: GETTY IMAGES

Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tuyến vào ngày 30/7 (giờ Việt Nam), với sự tham gia của các diễn giả ở ba đầu cầu là Hà Nội, Bỉ và Mỹ. Theo Đại sứ Nguyễn Văn Thảo, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hiệp châu Âu (EU), trong một năm qua, EVFTA đã chứng tỏ vai trò rõ nét là “hành lang rất quan trọng và cũng là động lực để tăng cường hợp tác kinh tế giữa EU và Việt Nam”. Tuy vậy, Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều thách thức trong giai đoạn tiếp theo để triển khai hiệp định. Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công thương) đã dẫn chứng về những khó khăn trong việc cắt giảm thuế quan, cũng như đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng toàn cầu.

Do đó, để hướng tới thực thi toàn diện và hiệu quả trong thời gian tới, TS Carsten Schittek, Đại biện lâm thời Phái đoàn EU tại Việt Nam nhấn mạnh, điểm mấu chốt là cần tăng cường hợp tác, đặc biệt là hợp tác tuân theo quy định và thông lệ quốc tế. “Các cơ quan quản lý của Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác theo quy định, nghĩa là học hỏi từ những đối tác khác, quan trọng nhất là tuân thủ các tiêu chuẩn, hướng dẫn, thông lệ quốc tế... Hợp tác theo quy định phần lớn dựa trên cách tiếp cận tự nguyện, song với kinh nghiệm của chúng tôi ở EU, một khi các cơ quan quản lý Việt Nam đã triển khai hợp tác theo các quy định quốc tế, họ sẽ không muốn quay lại cách làm cũ trong nước nữa”, ông chia sẻ. 

TS Schittek cũng cho biết, ông đã có nhiều cuộc gặp gỡ và đề nghị với các cơ quan của Việt Nam như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế… cùng tham gia trao đổi, hợp tác với các cơ quan quản lý của EU. “Thiết bị y tế là một trong những ngành công nghiệp mạnh nhất của châu Âu. Tôi được biết, Bộ Y tế Việt Nam cũng đang xem xét đổi mới khung quy định đối với các thiết bị y tế. Chúng tôi hoan nghênh tinh thần hợp tác theo quy định và sự tham gia của các bộ, ngành bên phía Việt Nam với các cơ quan chức năng của châu Âu”.

Thời gian một năm qua đối với việc thực thi EVFTA được xem là chặng đường để hai bên thích nghi và điều chỉnh với thị trường của nhau. Chủ tịch EuroCham, ông Alain Cany cho rằng, hội thảo đã mang lại cơ hội giúp nâng cao hiểu biết và khẳng định yêu cầu cần phải phát triển thương mại, đầu tư từ cả hai phía. Dù còn nhiều trở ngại và thách thức của đại dịch Covid-19, song ông lạc quan vào triển vọng phát triển trong thời gian tới. Ông Cany cũng khẳng định, cộng đồng doanh nghiệp đã có nhiều hành động để hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đa dạng hóa các nguồn vaccine và hỗ trợ Việt Nam thực hiện chiến dịch tiêm chủng đại trà, cũng như thảo luận các biện pháp cải thiện lưu thông hàng hóa và môi trường kinh doanh tại Việt Nam. 

Theo Đại sứ Nguyễn Văn Thảo, để khỏa lấp những khác biệt giữa EU và Việt Nam về văn hóa, mức độ phát triển…, cách tốt nhất giải quyết vấn đề là đưa ra và thúc đẩy đối thoại chung để có thể tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau. Ông cũng chia sẻ, những bước tiếp theo sau khi triển khai EVFTA là thúc đẩy Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA): “Chúng tôi nhận thấy tầm quan trọng khi các nước thành viên EU có thể sớm xúc tiến thông qua EVIPA để có thể thu hút nhiều hơn nữa các hình thức đầu tư từ EU đến Việt Nam. EVIPA sẽ giúp các doanh nghiệp châu Âu biết đến thị trường tiềm năng Việt Nam, giúp Việt Nam tăng cường xuất khẩu sang EU, đồng thời Việt Nam cũng cần nhập khẩu công nghệ cao từ EU. Vì vậy, thúc đẩy EVIPA sẽ đóng vai trò quan trọng để cân bằng cán cân thương mại. Việc phê chuẩn EVIPA đang nhận được tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp đã đầu tư vào Việt Nam và hiểu tầm quan trọng của việc thu hút đầu tư đối với tăng cường quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và EU”.