Đưa văn hóa Việt Nam vào dòng chảy thế giới

Dù ở đâu, người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới vẫn luôn tự hào với cội nguồn văn hóa của mình và đều có chung mong muốn lan tỏa những vẻ đẹp truyền thống tới bạn bè quốc tế. Như một dòng suối nhỏ dẫn nước tỏa ra những mạch ngầm, văn hóa truyền thống Việt Nam ngày một khẳng định giá trị tại các nước nơi kiều bào ta sinh sống. Có thể thấy rõ điều đó qua câu chuyện của cộng đồng kiều bào ở Czech, đang nỗ lực quảng bá và giới thiệu vẻ đẹp Việt Nam ra thế giới thông qua văn hóa và điện ảnh. 

Coffee walk giới thiệu cà-phê Việt Nam tới người dân Czech. Ảnh: SOPHIA
Coffee walk giới thiệu cà-phê Việt Nam tới người dân Czech. Ảnh: SOPHIA

Từ ly cà-phê đậm chất Việt…

Trong không khí ấm cúng, Hùng Ngô - chủ nhà hàng Ngô Restaurant ở Thủ đô Prague đã pha những tách cà-phê chuẩn Việt bằng phin truyền thống trước sự thích thú của nhiều người Czech. Anh cũng tỉ mỉ giới thiệu với những người bạn Czech cách để pha một ly cà-phê sữa ngon nhất, “đậm chất Việt” nhất, mà sau khi nhấp ngụm đầu tiên họ chỉ biết xuýt xoa đầy thích thú. Như người Việt thường có câu “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, thì ở giữa Thủ đô cổ kính này, tách cà-phê khởi đầu cho mọi câu chuyện và tình bạn sau đó. 

Nhà hàng Ngô còn được xem là một địa chỉ quen thuộc của những người đồng hương Việt Nam xa xứ, cũng như những người bạn Czech muốn tìm hiểu văn hóa ẩm thực Việt Nam. Trong thực đơn của nhà hàng, món bún bò và nem cuốn được thực khách đặc biệt ưa chuộng. Tại đây, chương trình với chủ đề “Coffee Walk” - hành trình cà-phê do Cộng đồng những người bạn Czech tại Việt Nam (CFCV) tổ chức, đã góp phần giới thiệu văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế. “Khi tham dự, tôi lắng nghe những câu chuyện để biết thêm về món đồ uống này ở Việt Nam và tìm hiểu về ẩm thực và văn hóa truyền thống của đất nước các bạn”, chị Sabina Staubertova, nhà nghiên cứu văn hóa tại Prague cho biết. Đặc biệt hơn, những câu chuyện này do chính những bạn trẻ Việt Nam kể lại trong chuyến đi tìm hiểu thực tế về quê mẹ. 

Nhờ những hoạt động như vậy mà lớp trẻ dù sinh ra ở đây nhưng vẫn không quên cội nguồn và mong ước trở về đóng góp cho quê hương. Anh Nguyễn Tiến Nhuận, thành viên sáng lập CFCV bày tỏ mong muốn mang kiến thức và công sức của mình để bảo tồn, giới thiệu những nét đẹp văn hóa, truyền thống Việt Nam tại Czech và ngược lại. Anh cũng kể rằng, khi ở Czech, những đồng  hương Việt Nam thường quây quần tại các địa điểm nấu đồ ăn Việt, còn khi về Hà Nội thì lại tìm tới địa chỉ ẩm thực Czech như nhà hàng Ceska Hospoda có món bia Zurb của Czech. Điều đó cho thấy chúng ta đang hội nhập và kết nối, vì văn hóa là một dòng chảy hai chiều.

Anh Nhuận cho biết thêm: “Lớn lên trên đất nước Czech nhưng tôi mang trong mình dòng máu và trái tim Việt Nam, nên tôi nhất định sẽ trở về đóng góp cho đất nước. Trong thời gian tới, chúng tôi ​​sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương để tổ chức lễ hội ẩm thực, duy trì truyền thống cho thế hệ trẻ, từ đó quảng bá văn hóa Việt Nam đến người dân địa phương”. 

Đưa văn hóa Việt Nam vào dòng chảy thế giới -0
Diễn viên người Czech gốc Việt Chip Nguyễn. Ảnh nhân vật cung cấp 

… đến những công dân Việt toàn cầu

Năm 2019, bộ phim “Miss Hanoi” của đạo diễn Zdenek Viktora ra mắt và là bộ phim Czech đầu tiên dành cho người Việt Nam. Sau khi công chiếu tại các cụm rạp ở Prague, dự án hợp tác độc đáo này đã được Trung tâm điện ảnh Czech Film Center đánh giá cao tại Liên hoan phim Arras của Czech. “Miss Hanoi” do các diễn viên gốc Việt đảm nhận vai chính. Nam chính trong phim là Chip Nguyễn, một chàng trai người Czech gốc Việt, từng tốt nghiệp kinh doanh tại Anh song chuyển hướng sang nghệ thuật. “Động lực khiến tôi không ngừng cố gắng, đó là mong muốn khẳng định tài năng của người Việt không thua kém một quốc gia nào. Dù là những bước đi nhỏ nhưng với cá nhân tôi, đó là minh chứng về sự nỗ lực của người gốc Việt trong việc đưa hình ảnh cộng đồng Việt Nam ra toàn cầu”, Chip Nguyễn chia sẻ. 

Tháng 8 vừa qua, hệ thống phát hành phim trực tuyến Netflix đã phát hành bộ phim “Miss Hanoi” tại nhiều quốc gia. Cùng thời điểm đó tại Việt Nam, Đại sứ quán Czech tại Hà Nội cũng đã tổ chức buổi công chiếu phim miễn phí và tọa đàm trực tuyến với nữ diễn viên chính Hà Thanh Spetlikova và đạo diễn Zdenek Viktora. 

Chàng diễn viên gốc Việt hiện ấp ủ thực hiện kịch bản có thể giúp nói lên tiếng nói và cải thiện góc nhìn về cộng đồng người châu Á, đặc biệt là người Việt Nam trên thế giới. Cùng với đó, anh và đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh của phim cổ trang “Phượng Khấu” cũng dự kiến đưa điện ảnh Việt tới công chúng Czech với sự hỗ trợ của đạo diễn, diễn viên người Czech, Marek Dobes - người góp mặt trong những bộ phim Hollywood như “Mission: Impossible - Ghost Protocol”, “Choking Hazard”... Theo chị Sophia Hương, quản lý Dự án Những người bạn điện ảnh Czech - Việt, phim “Phượng Khấu” với ý nghĩa tôn vinh cổ phục Việt Nam sẽ là cầu nối văn hóa, nghệ thuật giữa hai nước. Đạo diễn Dobes cũng khẳng định mong muốn hợp tác với điện ảnh Việt, ông cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể hội nhập với các nền điện ảnh lớn khác khi có những gương mặt đại diện là “công dân toàn cầu”, được đào tạo bài bản và say mê học hỏi. 

Cộng đồng người Việt tại Czech có lịch sử hình thành và phát triển đã gần 70 năm và đã được Chính phủ Czech chính thức công nhận là dân tộc thiểu số thứ 14 tại quốc gia này. Đông đảo kiều bào Việt Nam đã thật sự hòa nhịp với cuộc sống ở nước sở tại và có những đóng góp thiết thực, được địa phương ghi nhận. Trong thời gian dịch Covid-19, dưới sự kêu gọi của các tình nguyện viên CFCV, nhiều cửa hàng và quán ăn của người Việt Nam tại Czech đã mở cửa mời các bác sĩ, y tá và những người phục vụ trong chiến dịch chống Covid-19 đến để ăn nhẹ, uống cà-phê Việt Nam miễn phí. 

Sabina Staubertova chia sẻ rằng, cô đã thật sự bị chinh phục bởi ý chí và vẻ đẹp truyền thống, cũng như lịch sử lâu đời của đất nước hình chữ “S” nhỏ bé nhưng kiên cường. “Người Việt Nam có nhiều truyền thống thật tự hào và đáng học hỏi, họ rất hiếu khách và quý trọng bạn bè. Tôi luôn mong ước sẽ được tới Việt Nam trong một ngày gần nhất”, cô nói.