Đẩy mạnh hợp tác công nghệ số

Việt Nam và Ấn Độ là hai trung tâm công nghệ số nổi lên trong khu vực và thế giới, dư địa hợp tác giữa hai nước còn rất lớn. Đó là nhận định chung của các chuyên gia tại Hội thảo trực tuyến về Hợp tác công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) giữa Việt Nam và Ấn Độ trong bối cảnh đại dịch Covid-19, diễn ra ngày 29/6 vừa qua. 

Đại diện Việt Nam và Ấn Độ ký thỏa thuận hợp tác công nghệ số. Ảnh: NHANDAN.VN
Đại diện Việt Nam và Ấn Độ ký thỏa thuận hợp tác công nghệ số. Ảnh: NHANDAN.VN

Hội thảo do Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam tổ chức, nhằm chia sẻ quan điểm về các thế mạnh cũng như cơ hội hợp tác giữa hai nước trong CNTT-TT, một trong những lĩnh vực nắm vai trò ngày càng lớn trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Tại Hội thảo, các đại biểu giới thiệu về tiến trình chuyển đổi số ở mỗi nước, trao đổi ý kiến về vai trò của CNTT-TT, nền tảng kỹ thuật số bền vững, phát triển cơ sở hạ tầng, hệ sinh thái và nhân lực CNTT-TT, tăng cường khả năng an ninh mạng, triển khai công nghệ chuỗi khối (blockchain) trong y tế, xây dựng thành phố thông minh, thúc đẩy ngoại giao nhân dân, giao lưu văn hóa…

Ấn Độ là trung tâm kỹ thuật số với năng lực cạnh tranh cao, được công nhận trên toàn thế giới trong việc cung cấp các dịch vụ CNTT-TT. Theo số liệu của Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, doanh thu của ngành CNTT Ấn Độ đạt khoảng 175 tỷ USD trong giai đoạn 2019 - 2020, với xuất khẩu chiếm khoảng 147 tỷ USD. Lĩnh vực phần cứng và phần mềm máy tính thu hút dòng vốn trực tiếp nước ngoài (FDI) cao thứ hai vào Ấn Độ trong giai đoạn 2020 - 2021. Ấn Độ cũng là một trong những điểm đến được ưa thích cho việc thiết lập Trung tâm Năng lực toàn cầu (GCC), với 50% trong tổng số GCC được đặt tại Ấn Độ. Theo dự án “Sứ mệnh Ấn Độ số”, Chính phủ Ấn Độ đặt mục tiêu phát triển đất nước thành một nền kinh tế - xã hội được thúc đẩy bởi kỹ thuật số, thông qua việc cung cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật số như một tiện ích cốt lõi cho người dân, thực hiện quản trị và dịch vụ theo yêu cầu, nâng cao quyền công dân thông qua kỹ thuật số... 

Ông Ravi Vajpeyi, Giám đốc khu vực Công ty HCL - một trong những công ty công nghệ lớn nhất Ấn Độ đánh giá, Việt Nam là trung tâm công nghệ số đầy tiềm năng trong khu vực, được chứng minh qua việc một loạt các công ty công nghệ đa quốc gia đặt cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Theo Chiến lược chuyển đổi số quốc gia, Việt Nam hướng tới mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số chiếm 20% GDP và khoảng 30% GDP vào năm 2030. Để thực hiện hóa mục tiêu, Việt Nam đẩy mạnh phát triển các khu công nghệ cao, nhân lực chất lượng cao, hạ tầng viễn thông, dịch vụ trực tuyến và thương mại điện tử, an toàn và an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây… Các nỗ lực đó giúp Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các công ty CNTT-TT lớn trên thế giới.

Trong khi đó, bà Kusum Jain, Tổng Thư ký Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam tại bang Tây Bengal của Ấn Độ cho biết, CNTT-TT góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ hữu nghị nhân dân giữa hai nước, nhất là trong bối cảnh đại dịch còn phức tạp. Đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bà Kusum Jain cho rằng, những tiến bộ về CNTT-TT giúp người dân hai nước có thêm nền tảng để tương tác, hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật…

Tại Hội nghị, các đại biểu đều nhất trí, CNTT-TT là một lĩnh vực hợp tác đầy tiềm năng giữa Việt Nam và Ấn Độ. Nhiều công ty Ấn Độ đã có mặt tại Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực CNTT-TT của Việt Nam, thông qua đào tạo và cung cấp các giải pháp, dịch vụ trong các lĩnh vực tài chính ngân hàng, viễn thông, du lịch và an ninh mạng… CNTT-TT góp phần quan trọng tiến tới thực hiện hóa Tầm nhìn chung Việt Nam - Ấn Độ về hòa bình, thịnh vượng và người dân, được thủ tướng hai nước thông qua tại Hội đàm cấp cao trực tuyến tháng 12/2020.