Cố vấn khởi nghiệp toàn cầu

Nhằm thu hút và kết nối các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ, doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (KNST) trong nước, mới đây, đại diện các đơn vị của Bộ Ngoại giao cùng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã ký kết thỏa thuận hợp tác và phát động Chương trình Cố vấn khởi nghiệp toàn cầu (Global Mentoring Program for V-Startups). 

Lễ ký kết hợp tác về phát triển mạng lưới người Việt Nam ở nước ngoài. Ảnh: BKHCN
Lễ ký kết hợp tác về phát triển mạng lưới người Việt Nam ở nước ngoài. Ảnh: BKHCN

Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ Hội thảo “Kết nối và phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp. Hội thảo có bảy đầu cầu, hai trong nước ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, năm đầu cầu ở các nước Mỹ, Nhật Bản, Australia, Pháp và Phần Lan. Nhân dịp này, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (UBNN về NVNONN), Bộ Ngoại giao, Cục Phát triển thị trường, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ KH&CN đã ký kết thỏa thuận hợp tác về phát triển mạng lưới người Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) ở Việt Nam. 

Ông Ngô Hướng Nam, Phó Chủ nhiệm UBNN về NVNONN nhận định: “Hội thảo đã đem lại nhiều thông tin bổ ích, có những kết quả cụ thể, đặc biệt rất thú vị với thông tin từ diễn giả ở các đầu cầu”. Thống kê cho thấy, ngoài hơn 200 người tham gia trực tiếp và trực tuyến, còn có hàng trăm người theo dõi sự kiện, trong đó nhiều khán giả từ các địa phương trong nước đã đặt câu hỏi cho diễn giả, cho thấy sự quan tâm lớn tới hoạt động này. 

Tại hội thảo, các diễn giả chia sẻ đang có nhu cầu rất lớn đối với một đội ngũ tư vấn có trình độ cao và kinh nghiệm thực tế để hỗ trợ các doanh nghiệp KNĐMST của Việt Nam. Ông Trần Trí Dũng, chuyên gia của Chương trình Khởi nghiệp Thụy Sĩ (SwissEP), đã có hơn 10 năm làm cố vấn khởi nghiệp cho rằng, việc các startup trong nước có cơ hội tiếp cận những NVNONN đã có thành tựu lớn được thế giới ghi nhận, là hết sức quan trọng. “Đặc biệt, nhiều NVNONN đã về nước với mong muốn thúc đẩy sự phát triển của quê hương. Cộng đồng cố vấn cũng sẽ chỉ ra những cách làm để đưa các tri thức từ thế giới về Việt Nam, tới cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam”, ông Dũng cho biết.

Một số diễn giả tham gia hội thảo như ông Phạm Kim Cương, nhà sáng lập và Tổng Giám đốc điều hành (CEO) của nền tảng Cohost.ai; bà Lê Diệp Kiều Trang, nhà sáng lập công ty đầu tư khởi nghiệp công nghệ Alabaster… là những tên tuổi đã từng được ghi nhận trong cộng đồng khởi nghiệp ở Thung lũng Sillicon (Mỹ), đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn “xương máu” của mình trong quá trình khởi nghiệp. Theo bà Trang, thị trường lao động Việt Nam cùng lúc có được cả hai lực lượng là nguồn lực con người có trình độ kỹ thuật về trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa, cũng như nguồn lao động cơ bản dồi dào. Đây là lợi thế so các nước trong khu vực như Indonesia, Singapore… Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách còn nhiều rào cản với các doanh nghiệp trong nước, cũng như startup ở nước ngoài khi muốn tìm hiểu về thị trường Việt Nam. Ngoài ra, việc gọi vốn đầu tư cho các startup ở Việt Nam còn hạn chế. 

Do vậy, việc khởi động Chương trình Cố vấn khởi nghiệp toàn cầu nhằm mục đích kêu gọi các chuyên gia người Việt ở nước ngoài cố vấn, hỗ trợ startup Việt Nam giải quyết những khó khăn đang gặp phải. Theo ông Phạm Dũng Nam, Giám đốc Văn phòng Đề án hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST quốc gia đến năm 2025, đối tượng của chương trình nhắm đến bao gồm hai nhóm. Với nhóm thứ nhất, chương trình sẽ chọn từ tốp 10 startup của Ngày hội khởi nghiệp (Techfest) hằng năm tại Việt Nam, hoặc những nhóm khởi nghiệp đang ở giai đoạn đầu, đã có sản phẩm và đang tìm kiếm thị trường, có định hướng phát triển thị trường quốc tế. Vấn đề của đối tượng này là gặp khó khăn trong việc hoàn thiện công nghệ, chưa nhận được nhiều sự hỗ trợ khi tiến ra thị trường thế giới. Nhóm thứ hai là các cố vấn của chương trình, đó là những chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài có kinh nghiệm nghiên cứu, làm việc tại nhiều nơi trên thế giới, am hiểu về công nghệ và thị trường quốc tế, muốn hỗ trợ Việt Nam nhưng chưa biết các nhu cầu, bài toán cụ thể của đất nước. Do đó, chương trình sẽ kết nối các nhóm trong và ngoài nước, giúp hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp cho Việt Nam.