Chuyên gia kiều bào chung tay vượt đại dịch

Các chuyên gia, đội ngũ trí thức trong và ngoài nước đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến chuyên môn quan trọng tại buổi tọa đàm trực tuyến, với chủ đề “Chuyên gia kiều bào chung tay vượt đại dịch - Vaccine Made in Vietnam” do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), Bộ Ngoại giao phối hợp Ủy ban NVNONN thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 20/8.

Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu (trái) phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm. Ảnh: BNG
Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu (trái) phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm. Ảnh: BNG

Tọa đàm đề cập hàng loạt vấn đề đang nhận được sự quan tâm hiện nay, như vai trò quan trọng của vaccine trong việc đẩy lùi dịch bệnh; những mô hình, bài học kinh nghiệm trong chống dịch ở các nước trên thế giới; quy trình cấp phép vaccine tại Mỹ và trường hợp được cấp phép khẩn cấp… Ông Phạm Quang Hiệu, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước (UBNN) về NVNONN đánh giá, các ý kiến và tham luận của những diễn giả chuyên gia kiều bào đã đem đến cách nhìn toàn diện, khoa học về các loại vaccine, cũng như vấn đề thử nghiệm lâm sàng, cấp phép sử dụng. Đây được xem là những ý kiến tham khảo đầy giá trị cho việc triển khai chiến lược vaccine của Việt Nam.

Hiện nay, có bốn loại vaccine đang được sản xuất tại Việt Nam, trong đó có hai sản phẩm nội địa và hai sản phẩm Việt Nam nhận chuyển giao công nghệ. Theo ông Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ, diễn biến dịch Covid-19 tại Việt Nam ngày càng phức tạp, đặc biệt là tại TP Hồ Chí Minh và các địa phương phía nam. Do đó, bên cạnh các phương pháp chống dịch đang được triển khai thì nhu cầu sản xuất vaccine trong nước cũng rất cần thiết. Thứ trưởng nhận định, trong hai năm qua, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã nỗ lực tham gia nghiên cứu sản xuất những sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch. Thời gian đầu, Việt Nam đã sản xuất được bộ kit xét nghiệm. Còn hiện giờ, vaccine Nanocovax của Việt Nam đang thử nghiệm giai đoạn ba, ngoài ra một số doanh nghiệp tư nhân đang hợp tác với các đối tác ở Mỹ, Nga, Nhật Bản, Cuba… để sản xuất vaccine trong nước.

TS Nguyễn Hữu Huân, kiều bào Mỹ, đồng thời là người đã nghiên cứu về vaccine và lĩnh vực chống virus từ cách đây 27 năm, từng công bố nhiều công trình nghiên cứu độc lập liên quan trực tiếp vaccine chống cúm, SARS… Ông hiện là Giám đốc Khoa học của Công ty IGY Life Sciences sản xuất kháng thể kháng virus và GS kiêm nhiệm Đại học Arizona (Mỹ). Theo ông, trong bối cảnh chưa có đủ vaccine cho dân số cả nước, nhưng lại có nhiều loại để lựa chọn, ông đề xuất cấp phép khẩn cấp cho vacccine Nanocovax, với bốn lý do gồm mức độ an toàn, hiệu quả, khả năng sản xuất và lợi ích khi cấp phép sớm. TS Huân chia sẻ quan điểm của ông dựa trên cơ sở các thông tin công khai, kết quả nghiên cứu khoa học đã qua kiểm duyệt của giới chuyên sâu và được đăng trên các tạp chí khoa học uy tín trên thế giới. 

Còn theo TS Nguyễn Đức Thái, kiều bào Mỹ, nhà đồng sáng lập TransMed-VN, cần có thêm dữ liệu về khả năng tiêm chủng Nanocovax cho cộng đồng qua so sánh với các vaccine hiện hành: “Ngoài mức độ an toàn cao, Nanocovax cần đạt tiêu chuẩn các vaccine Covid-19 hiện nay dựa trên bốn kết quả lâm sàng là hiệu quả nhằm tránh F0 không có triệu chứng, giảm nhập viện, giảm trở bệnh nặng và không tử vong. Nanocovax sẽ cần đáp ứng tốt đặc biệt với biến chủng Delta. Trong điều kiện hiện tại, vì đánh giá khoa học có giới hạn, Nanocovax cần tập trung vào thử nghiệm và đánh giá các chỉ tiêu lâm sàng”. TS Thái cũng nhấn mạnh, rất cần các chuyên gia dịch tễ uy tín, có kinh nghiệm về Covid-19, các thống kê phù hợp về Nanocovax và đánh giá tập trung vào các nhóm đối tượng trọng tâm. 

Các học giả đều nhất trí rằng, tiêm vaccine là cách nhanh và an toàn nhất để đạt được miễn dịch cộng đồng, giúp người dân quay lại cuộc sống bình thường và tránh sự xuất hiện của những biến chủng mới.