Biến cam kết thành hành động

Thời gian qua, Việt Nam đã có những cam kết và quyết tâm mạnh mẽ trong bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH), đóng góp vào nỗ lực chung toàn cầu. Việc xây dựng Dự thảo Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050 thể hiện nỗ lực hành động trong lộ trình thực hiện cam kết của Việt Nam đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Hội thảo tham vấn dự thảo Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn 2050.
Hội thảo tham vấn dự thảo Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn 2050.

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về BĐKH (COP26) ở Glasgow (Anh) tháng 11 năm ngoái, Việt Nam đã khẳng định đặt mục tiêu đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Trên tiến trình thực hiện cam kết đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã xây dựng dự thảo Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050. Dự thảo Chiến lược đặt mục tiêu tích cực tăng cường thích ứng BĐKH, giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do BĐKH gây ra; giảm phát thải khí nhà kính nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050. 

Còn theo Phó Cục trưởng BĐKH, Bộ TN&MT Phạm Văn Tấn, việc thực hiện đồng bộ Chiến lược quốc gia về BĐKH còn giúp tận dụng các cơ hội để chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao khả năng chống chịu và sức cạnh tranh của nền kinh tế phục vụ mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Đây cũng là hoạt động chứng minh những đóng góp tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam vào các nỗ lực quốc tế trong việc bảo vệ môi trường toàn cầu. Tại Hội thảo tham vấn quốc gia về Chiến lược BĐKH đến năm 2050, do Bộ TN&MT phối hợp Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) và Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức ngày 26/4, ông Tấn đã thay mặt nhóm soạn thảo của Bộ TN&MT trình bày bản Dự thảo Chiến lược, trong đó có chín nhóm giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm triển khai kết quả Hội nghị COP 26. 

Các nhóm giải pháp bao gồm đổi mới thể chế, chính sách, quy hoạch; chuyển đổi năng lượng và công nghiệp; nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức… trong mọi ngành, lĩnh vực, đặc biệt là nhóm ngành giao thông và xây dựng, nông - lâm nghiệp và sử dụng đất. Với ngành tài nguyên môi trường, nhiệm vụ tiêu biểu là xây dựng Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050, xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về ứng phó với BĐKH giai đoạn đến năm 2030…  

Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen chia sẻ: “Chiến lược quốc gia về BĐKH là một trong những công cụ chính sách quan trọng để thực hiện mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050 và xây dựng khả năng phục hồi của cộng đồng. Tôi đánh giá cao nhóm thực hiện của Bộ TN&MT vì những nỗ lực không mệt mỏi trong việc chuẩn bị Dự thảo Chiến lược quan trọng này. Chiến lược sẽ tạo nền tảng vững chắc cho các kế hoạch và chính sách về khí hậu và năng lượng quan trọng khác tại Việt Nam”.

Đại biện lâm thời Đại sứ quán Đức tại Việt Nam, ông Weert Börner đánh giá, Dự thảo Chiến lược quốc gia về BĐKH của Việt Nam thể hiện mục tiêu rất tham vọng và thách thức, nhưng khả thi. Đây là sự đóng góp quan trọng đối với quá trình đàm phán đạt được phát thải ròng về “0” mà cộng đồng quốc tế đang nỗ lực đạt được. Đồng tình với ý kiến của ông Weert Börner, Đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam cũng hoan ngênh Việt Nam đã thể hiện những cam kết mạnh mẽ nhất tại COP26 và nhanh chóng hiện thực hóa bằng việc soạn Dự thảo Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn 2050. 

Còn theo Thứ trưởng Môi trường Nhật Bản Shoda Yutaka, ngay sau COP26, Việt Nam đã nhanh chóng triển khai các bước tiếp theo để có thể đạt được mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Các chuyên gia Nhật Bản cũng đã tham gia hỗ trợ cơ quan của Việt Nam tính toán và chạy mô hình để xem những tác động của BĐKH với chính trị, môi trường, kinh tế, xã hội như thế nào. Trong thời gian tới, Nhật Bản sẵn sàng có những hỗ trợ, đặc biệt là đối với chuyên gia của Việt Nam trong lĩnh vực này. 

Đại diện Đại sứ quán Australia, ông Mark Tattersall đánh giá cao việc các cơ quan quản lý Việt Nam đưa ra Dự thảo Chiến lược, đánh dấu lần đầu cam kết được thể hiện bằng hành động. Bản dự thảo nêu rõ sự tham gia liên ngành và vai trò của Bộ TN&MT để thực hiện các báo cáo minh bạch với cộng đồng quốc tế và bảo đảm có tiếng nói của các cộng đồng người dân khác nhau ở Việt Nam đối với quá trình này. Đại diện các tổ chức quốc tế và nhiều nước tham gia buổi tham vấn cũng cam kết sẽ thúc đẩy nhà đầu tư và doanh nghiệp tham gia quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo ở Việt Nam.