Xu hướng đáng lo ngại

Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) vừa công bố Niên giám SIPRI 2021 (SIPRI Yearbook 2021), đánh giá hiện trạng kho vũ khí hạt nhân và tình hình giải trừ quân bị quốc tế. 

Biếm họa của PARESH NATH
Biếm họa của PARESH NATH

Một phát hiện quan trọng là, mặc dù kho vũ khí hạt nhân tổng thể của thế giới tiếp tục giảm, nhưng số lượng vũ khí sẵn sàng triển khai lại tăng.

Theo báo cáo của SIPRI, vào thời điểm đầu năm 2021, cả chín quốc gia trang bị vũ khí hạt nhân (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên) sở hữu tổng cộng khoảng 13.080 đầu đạn hạt nhân, giảm nhẹ so con số 13.400 được ghi nhận cùng thời điểm năm 2020 và tiếp nối đà giảm từ mức 13.865 đơn vị hồi đầu năm 2019. Tuy nhiên, SIPRI chỉ rõ, số lượng vũ khí giảm lại chính là những đầu đạn hạt nhân đã “nghỉ hưu”, đang chờ được tháo dỡ.

Trong khi đó, số lượng đầu đạn hạt nhân được triển khai trong thành phần lực lượng tác chiến lại tăng từ 3.720 lên 3.825 đơn vị. Trong đó, khoảng 2.000 đầu đạn được duy trì trong tình trạng sẵn sàng, có thể khai hỏa chỉ trong vài phút. Theo báo cáo, Mỹ và Nga tiếp tục tháo dỡ các đầu đạn hết hạn sử dụng, nhưng cả hai nước đều bổ sung khoảng 50 đầu đạn cho hoạt động triển khai trong năm 2021. 

Trước đó, tổ chức Chiến dịch quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) cho biết, chi tiêu cho vũ khí hạt nhân trên thế giới năm 2020 vẫn tăng mạnh, dù Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) có hiệu lực đầy đủ, trong khi đại dịch Covid-19 hoành hành, tác động nghiêm trọng kinh tế toàn cầu. ICAN ước tính, 72,6 tỷ USD là tổng số tiền mà chín quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đã chi cho các kho vũ khí chiến lược, tăng 1,4 tỷ USD so năm trước đó. Mỹ đứng đầu, với mức chi khổng lồ là 37,4 tỷ USD.

Những con số được SIPRI và ICAN nêu lên đã phản ánh xu hướng đáng lo ngại liên quan kho vũ khí hạt nhân toàn cầu. Không chỉ tiến trình cắt giảm số lượng đầu đạn hạt nhân có dấu hiệu chững lại, mà nỗ lực nâng cấp kho vũ khí chiến lược lại gia tăng. Dư luận thêm lo ngại về việc thực hiện cam kết theo đuổi đàm phán về giải trừ vũ khí hạt nhân.