Tiền lệ chia sẻ

Những ngày qua, dư luận thế giới phản ứng tích cực trước thông tin Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhất trí lộ trình hướng tới thỏa thuận tăng nguồn cung vaccine ngừa Covid-19 cho các nước đang phát triển.

Biếm họa của ANDREA ARROYO
Biếm họa của ANDREA ARROYO

Nội dung được chờ đợi nhất trong cuộc đàm phán của WTO, dự kiến khởi động ngày 17-6 tới, là tạm miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với loại vaccine này. 

Thực tế chống đại dịch hơn một năm qua đã chứng minh tính hiệu quả của vaccine trong việc hạn chế sự lây lan của virus gây Covid-19. Một số loại vaccine đã được công nhận, chiến dịch tiêm chủng cũng đạt kết quả tích cực tại nhiều nước. Song, nguồn cung vaccine còn thiếu, trong khi phân phối lại chưa đồng đều, nhiều nước nghèo chỉ nhận được số lượng rất ít “vũ khí” chống dịch hữu hiệu này. Bởi thế, mục tiêu mở rộng sản xuất vaccine để tăng nguồn cung và bảo đảm quyền tiếp cận nhanh chóng, công bằng trên toàn cầu càng trở nên cấp bách, nhất là khi nhiều biến thể virus gây Covid-19 xuất hiện và lây lan phức tạp. 

Trong bối cảnh ấy, “chìa khóa” để mở các kho vaccine được cho là nằm ở vấn đề bản quyền. Nhiều ý kiến nêu rõ, tạm thời dỡ bỏ quy định bảo hộ bằng sáng chế đối với vaccine ngừa Covid-19 sẽ giúp tăng tốc sản xuất, qua đó mở rộng kênh phân phối, giúp các nước đang phát triển có thêm nguồn cung, đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng. Theo các chuyên gia Oxfam, không chỉ cho phép sản xuất vaccine nhiều hơn, việc tạm dỡ bỏ bản quyền còn giúp giảm giá thành vaccine, giảm chi phí chống dịch. 

Hơn nữa, việc miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với thuốc chữa bệnh cũng có tiền lệ. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng, chống dịch bệnh châu Phi, cuối những năm 1990, thuốc kháng virus đã tạo ra “cuộc cách mạng” trong điều trị bệnh nhân HIV/AIDS tại các nước phát triển; đến năm 2005, người dân châu Phi mới được tiếp cận, nhờ một thỏa thuận hợp pháp hóa việc sao chép, sản xuất và phân phối loại thuốc này. Thỏa thuận này giúp chi phí điều trị giảm hơn 90% ở nhiều nước đang phát triển. Đáng nói là, trong 10 năm khi chưa có thỏa thuận, châu Phi có khoảng 12 triệu người chết vì HIV/AIDS.

Việc tạm dỡ bảo hộ bằng sáng chế đối với vaccine ngừa Covid-19 không dễ, khi cần có cái gật đầu của tất cả các thành viên WTO. Thỏa thuận chia sẻ bản quyền thuốc HIV/AIDS có thể được xem là tiền lệ về chia sẻ trách nhiệm xã hội, giúp thúc đẩy cuộc đàm phán sắp tới của WTO.