Tiến độ bị đảo ngược

Theo số liệu mới nhất do hãng nghiên cứu các vấn đề toàn cầu Rhodium Group công bố ngày 10/1, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Mỹ năm 2021 tăng 6,2% so mức năm 2020. Đồng nghĩa, tiến độ giảm phát thải khí nhà kính ở “xứ cờ hoa” đã bị đảo ngược.

Biếm họa: LIU RUI
Biếm họa: LIU RUI

Năm 2020, tổng lượng phát thải của Mỹ giảm 10% so mức năm 2019 và đây là mức giảm kỷ lục. Tuy nhiên, năm 2021, lượng khí nhà kính đã “khôi phục” đà tăng, khi nền kinh tế số 1 thế giới trên đà phục hồi, nhất là sự tăng vọt trong sản xuất điện than (tăng 17% so mức năm 2020) và vận tải đường bộ (tăng 10%). Theo Rhodium Group, mức khí thải tăng mạnh trở lại không quá ngạc nhiên, thậm chí còn có thể cao hơn, nếu toàn bộ nền kinh tế Mỹ phục hồi và vận hành với 100% công suất. 

Số liệu mới nhất chỉ ra thực tế rằng, nước Mỹ vẫn phụ thuộc năng lượng hóa thạch, cũng cho thấy thách thức lớn đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden trong nỗ lực dần chuyển đổi sản xuất và sử dụng dầu khí, than đá sang điện gió, điện mặt trời và các loại năng lượng sạch khác. 

Ông Biden đã công bố mục tiêu của Mỹ giảm 50%-52% lượng khí nhà kính vào năm 2030, hướng tới tham vọng toàn cầu đưa mức phát thải ròng về 0. Tổng thống Biden cũng đưa ra kế hoạch tái thiết cơ sở hạ tầng mang tên “Xây dựng lại tốt đẹp hơn”, trong đó dự chi 555 tỷ USD để phát triển năng lượng tái tạo, ô-tô chạy điện và các chương trình ứng phó biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, dự luật này vẫn chưa được Quốc hội Mỹ phê chuẩn, do phe Cộng hòa kiên quyết phản đối.

Rhodium Group nhận định, mục tiêu năm 2030 của Mỹ là trong tầm tay, song với điều kiện tất cả đều phải hành động. Trong đó, Quốc hội, cơ quan hành pháp và các lãnh đạo địa phương ủng hộ và triển khai chính sách thiết thực và khả thi, nói cách khác là phối hợp trong kịch bản “hành động chung”. 

Tuy nhiên, Rhodium Group cũng cảnh báo, ngay cả khi kịch bản “hành động chung” thành công thì nước Mỹ cũng chưa đi hết nửa chặng đường. Mục tiêu “net-zero” về phát thải khí nhà kính đòi hỏi nhiều nỗ lực, trong đó có việc mở rộng quy mô thương mại hóa các loại công nghệ mới nổi, như hydro sạch, sản xuất điện không phát thải, hay điện khí hóa phương tiện giao thông...