Qua sông thì phải lụy đò

Ngày 26-3, Reuters dẫn nguồn tin Chính phủ Iraq cho biết, Mỹ đã nhất trí gia hạn thêm 30 ngày lệnh miễn trừ trừng phạt đối với Baghdad, theo đó cho phép nước này tiếp tục nhập khẩu năng lượng từ Iran, trong đó có khí đốt.

Biếm họa của SHADI GHANIM
Biếm họa của SHADI GHANIM

Trước đó, Mỹ đã nhiều lần gia hạn miễn trừ trừng phạt, cho phép Iraq nhập khẩu năng lượng từ Iran để phục vụ mạng lưới điện trong các thời hạn 45, 90 và 120 ngày.

Iraq vẫn phụ thuộc nhiều vào khí đốt tự nhiên của Iran để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng điện nội địa, đặc biệt là trong những tháng mùa hè. Sự miễn trừ của Mỹ cho phép Iraq tránh được các hình phạt khi nhập khẩu khí đốt của Iran. Lệnh miễn trừ đã được gia hạn liên tục từ tháng 11-2018, khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump áp đặt lại các lệnh trừng phạt đối với Iran sau khi “ông chủ” Nhà trắng rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà Tehran ký kết với các cường quốc năm 2015.

Không phải ngẫu nhiên mà Iraq nhận được nhiều ưu đãi đến thế từ Mỹ. Iraq hiện là một quốc gia giàu dầu mỏ, đồng thời là nhà sản xuất lớn thứ hai của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Do đó, vai trò của Iraq đối với thị trường dầu mỏ thế giới là rất quan trọng, mà muốn duy trì lợi thế trong các cuộc đàm phán giá dầu với OPEC thì Mỹ cũng rất cần tới sự ủng hộ của Baghdad, qua đó giúp cân bằng thế đối trọng với Nga trên thị trường năng lượng.

Bên cạnh đó, kể từ khi căng thẳng leo thang trong quan hệ Mỹ - Iraq sau vụ Mỹ nã tên lửa sát hại tướng Qasem Soleimani của Iran tháng 1 vừa qua trên lãnh thổ Iraq, Washington đang tìm cách xoa dịu Baghdad nhằm tiếp tục duy trì sự hiện diện quân sự ở nước này nhằm đối phó khủng bố và giám sát các hoạt động của Iran. Ngoài ra, AP dẫn lời một quan chức Mỹ đề nghị giấu tên cho biết, Washington không muốn đặt ông Adnan Zurfi, người vừa được chỉ định giữ chức Thủ tướng Iraq và có quan hệ gần gũi với giới chức Mỹ, vào “tình huống khó khăn” nếu không gia hạn lệnh miễn trừ.

Thành thử, “qua sông phải lụy đò”. Mỹ muốn có được sự ủng hộ của Iraq ở khu vực Trung Đông nhiều bất ổn thì cần đưa ra những ưu đãi với chính quyền Baghdad. Nếu không, Mỹ đối mặt nguy cơ phải rút toàn bộ quân từ Iraq về nước và khả năng mất đi “bàn đạp” ở Trung Đông là khó tránh khỏi.