Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Trong cuộc họp trực tuyến ngày 7-12 vừa qua, các quan chức tài chính thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với chiến lược tăng cường kiểm soát các đồng tiền kỹ thuật số.

Biếm họa của AREND VAN DAM
Biếm họa của AREND VAN DAM

Tình hình dịch Covid-19 vẫn là chủ đề thu hút sự quan tâm tại cuộc họp lần thứ 12 trong năm nay của các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm G7, cùng lãnh đạo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Tuy nhiên, những biện pháp tài chính liên quan các đồng tiền kỹ thuật số cũng là chủ đề “nóng” được bàn thảo kỹ lưỡng tại cuộc họp lần này. 

Theo AP, bên cạnh cách thức thích ứng sự phát triển mạnh mẽ của những đồng tiền kỹ thuật số, các quan chức G7 cũng tập trung thảo luận về nỗ lực ngăn chặn lợi dụng việc thanh toán tiền kỹ thuật số để tiến hành những hoạt động phi pháp. Tuyên bố chung của G7 nêu rõ, việc thanh toán tiền kỹ thuật số có thể cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính và cắt giảm chi phí, nhưng cần được giám sát và quản lý một cách phù hợp để có thể giải quyết những thách thức và nguy cơ liên quan bất ổn tài chính.

Thiếu chế tài giám sát đồng tiền kỹ thuật số không phải vấn đề mới, bởi khi ra mắt đồng Bitcoin đầu năm 2009, những “lùm xùm” quanh việc định giá đồng tiền ảo này, cũng như làn sóng khai thác tràn lan Bitcoin đã gây ra những xáo trộn trên thị trường tài chính toàn cầu, khi tiền ảo thậm chí được quy ra tiền thật và tác động không nhỏ tới các giao dịch mua bán hàng hóa…, trong khi biến động giá của nó vô cùng thất thường. 

Trong bối cảnh đó, các quan chức tài chính G7 càng có lý do để lo ngại khi mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook cấp phép cho dự án phát hành đồng tiền kỹ thuật số “Libra” tại châu Âu. Giới chức Đức khẳng định sẽ không chấp nhận đồng tiền này thâm nhập thị trường, trong khi những rủi ro về công tác quản lý vẫn chưa được giải quyết một cách thỏa đáng. 

Những đồng tiền kỹ thuật số do tư nhân sở hữu như Bitcoin hay Libra là nguyên nhân khiến giới lập pháp G7 muốn “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, bởi một khi chấp nhận đưa vào lưu hành thì những rủi ro vẫn chưa thể lường trước.