Nói dễ, làm khó

Thủ tướng Anh Boris Johnson mong muốn hội nghị cấp cao sắp tới của Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sẽ đạt được một thỏa thuận về “Hộ chiếu vaccine” ngừa Covid-19, tiến tới mở ra các cuộc đàm phán về một hiệp ước toàn cầu nhằm sẵn sàng ứng phó nếu xảy ra các đại dịch khác trong tương lai. 

Biếm họa của CHAPPATTE
Biếm họa của CHAPPATTE

Theo tham vọng của Thủ tướng Johnson, hội nghị sắp tới cần đạt được thỏa thuận về những vấn đề chiến lược như “Hộ chiếu vaccine”, giấy chứng nhận tình trạng Covid-19 và những chứng chỉ khác. Theo ông, nhân loại đã chứng kiến những điều tồi tệ bởi dịch Covid-19 gây ra trong năm 2020, nên các nhà lãnh đạo G7 cần đạt được thống nhất chung về những tiêu chuẩn an toàn trong mùa dịch, hướng đến một thỏa thuận toàn cầu để có thể sẵn sàng đối phó những thảm họa y tế trong tương lai. 

Giới chuyên gia cho rằng, hộ chiếu vaccine sẽ tạo thuận lợi cho việc sớm đi lại, nhất là với du lịch tại những quốc gia có thế mạnh về ngành này, trong đó có các thành viên G7, gồm Đức, Pháp, Anh, Canada, Mỹ, Italia và Nhật Bản. Tuy nhiên, việc triển khai hộ chiếu vaccine làm sao để an toàn và hiệu quả mới là điều quan trọng. Hiện nay, sáng kiến này vẫn chưa nhận được sự ủng hộ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khi tổ chức này cho rằng việc tiêm vaccine hoặc hộ chiếu vaccine không nên là điều kiện để xuất nhập cảnh, bởi chưa ai dám chắc chắn về hiệu quả ngăn ngừa lây truyền Covid-19 của các loại vaccine hiện hành. Bên cạnh đó, với thực tế là có nhiều người không thể tiêm chủng vaccine vì những lý do khác nhau, nên việc áp dụng hộ chiếu vaccine sẽ tạo ra sự phân biệt đối xử.

Ngoài ra, có nhiều ý kiến cho rằng việc áp dụng hộ chiếu vaccine còn đối mặt nhiều thách thức, như các nước phải thống nhất loại vaccine nào được chấp nhận chung, phải có sự công nhận lẫn nhau về các hệ thống kỹ thuật của từng nước khi chứng nhận hộ chiếu vaccine, hay việc xử lý vấn đề hộ chiếu vaccine giả đã bắt đầu xuất hiện. Đó là chưa kể các quốc gia sẽ không dễ dàng thống nhất với nhau một quy trình chung để triển khai hộ chiếu vaccine.

Thành thử, ý tưởng của Thủ tướng Anh Johnson đưa ra là chính đáng, song trên thực tế “nói thì dễ, làm mới khó”. Chỉ khi nào sự thống nhất toàn cầu được thiết lập đối với việc ứng phó Covid-19 thì sự đồng thuận liên quan các chứng chỉ an toàn dịch tễ mới có thể được thông qua.